Những điều cần biết về đề thi THPT quốc gia 2017
Theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa được Bộ GD&ĐT công bố, năm 2017, nội dung đề thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT.
Chương IV Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm nội dung về công tác đề thi. Cụ thể như sau:
Điều 15. Yêu cầu đối với đề thi
- Đề thi của kỳ thi THPT quốc gia phải đạt các yêu cầu dưới đây:
- a) Nội dung đề thi đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 4 Quy chế này: Năm 2017, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 12 THPT; năm 2018, nội dung thi nằm trong Chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT; từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong Chương trình cấp THPT.
- b) Đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ);
- c) Đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng;
- d) Đề thi tự luận phải ghi rõ số điểm của mỗi câu hỏi; điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10 đối với toàn bài và cả đối với các môn thi thành phần của các bài thi tổ hợp;
đ) Đề thi phải ghi rõ có chữ “HẾT” tại điểm kết thúc đề và phải ghi rõ có mấy trang (đối với đề thi có từ 02 trang trở lên).
- Trong một kỳ thi, mỗi bài thi có đề thi chính thức và đề thi dự bị đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này; mỗi đề thi có hướng dẫn chấm, đáp án kèm theo.
Điều 16. Khu vực làm đề thi và các yêu cầu bảo mật
- Đề thi, hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật”. Riêng đề thi dự bị môn tự luận chưa sử dụng được giải mật sau khi kết thúc kỳ thi.
- Việc ra đề thi, in sao đề thi (gọi chung là làm đề thi) phải được thực hiện tại một địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt suốt thời gian làm đề thi cho đến hết thời gian thi môn cuối cùng của kỳ thi, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy.
- Các thành viên tham gia làm đề thi đều phải cách ly triệt để với bên ngoài. Trong trường hợp cần thiết và được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi hoặc Trưởng ban In sao đề thi thì các thành viên mới được phép liên hệ với bên ngoài bằng điện thoại cố định, có loa ngoài, có ghi âm dưới sự giám sát của cán bộ bảo vệ, công an.
Danh sách những người tham gia làm đề thi phải được giữ bí mật trước, trong và sau kỳ thi. Người làm việc trong khu vực cách ly phải đeo phù hiệu và chỉ hoạt động trong phạm vi cho phép, chỉ được ra khỏi khu vực cách ly sau thời gian thi môn cuối cùng. Trong trường hợp đặc biệt, được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi hoặc Trưởng ban In sao đề thi, các thành viên mới được phép ra khỏi khu vực cách ly dưới sự giám sát của công an.
- Phong bì chứa đề thi để giao, nhận, vận chuyển đề thi từ nơi làm đề thi ra bên ngoài phải được làm bằng giấy đủ độ bền, kín, tối và được dán chặt, không bong mép, có đủ nhãn và dấu niêm phong. Nội dung in trên phong bì phải theo quy định của Bộ GDĐT.
- Toàn bộ quá trình giao nhận, vận chuyển đề thi phải được công an giám sát; các phong bì chứa đề thi phải được đựng an toàn trong các thùng có khoá và được niêm phong trong quá trình giao nhận, vận chuyển.
- Máy móc và thiết bị tại nơi làm đề thi, dù bị hư hỏng hay không dùng đến, chỉ được đưa ra ngoài khu vực cách ly sau thời gian thi môn cuối cùng.
Điều 17. Hội đồng ra đề thi
- Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập Hội đồng ra đề thi kỳ thi THPT quốc gia (gọi tắt là Hội đồng ra đề thi).
- Thành phần Hội đồng ra đề thi
- a) Chủ tịch Hội đồng: Lãnh đạo Cục KTKĐCLGD;
- b) Phó Chủ tịch Hội đồng: Phó Cục trưởng Cục KTKĐCLGD, lãnh đạo các đơn vị khác thuộc Bộ GDĐT và lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Cục KTKĐCLGD;
- c) Ủy viên, thư ký: Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ GDĐT; cán bộ kỹ thuật phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi hỗ trợ cho Hội đồng ra đề thi về phần mềm và máy tính làm việc trong khu vực cách ly; trong đó, ủy viên thường trực là cán bộ thuộc Cục KTKĐCLGD;
- d) Các cán bộ soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là giảng viên các trường ĐH, CĐ, nghiên cứu viên các viện nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông. Mỗi môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Trưởng môn đề thi và các cán bộ soạn thảo đề thi;
đ) Lực lượng bảo vệ: Cán bộ do Bộ Công an và Bộ GDĐT điều động.
Những người có người thân dự thi trong năm tổ chức thi không được tham gia Hội đồng ra đề thi.
- Nguyên tắc làm việc của Hội đồng ra đề thi
- a) Các tổ ra đề thi và các thành viên khác của Hội đồng ra đề thi làm việc độc lập và trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng ra đề thi; người được giao nhiệm vụ nào, có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó, không được tham gia các nhiệm vụ khác;
- b) Mỗi thành viên của Hội đồng ra đề thi phải chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung, đảm bảo bí mật, an toàn của đề thi theo đúng chức trách của mình và theo nguyên tắc bảo vệ bí mật quốc gia.
- Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng ra đề thi
- a) Tổ chức soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh các đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi của đề chính thức và đề dự bị;
- b) In sao đề thi đúng quy định, đủ số lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo thi quốc gia; đóng gói, bảo quản đề thi và bàn giao đề thi cho Ban Chỉ đạo thi quốc gia;
- c) Đảm bảo tuyệt đối bí mật, an toàn của đề thi và hướng dẫn chấm thi trong khu vực ra đề thi từ lúc bắt đầu soạn thảo đề thi cho đến hết thời gian thi của môn cuối cùng của kỳ thi.
- Chủ tịch Hội đồng ra đề thi chịu trách nhiệm:
- a) Tổ chức điều hành toàn bộ công tác ra đề thi và bàn giao đề thi cho Ban Chỉ đạo thi quốc gia; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GDĐT về công tác đề thi;
- b) Xử lý các tình huống bất thường về đề thi;
- c) Đề nghị Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định khen thưởng, kỷ luật (nếu có) đối với các thành viên Hội đồng ra đề thi.
- Các thành viên của Hội đồng ra đề thi thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Hội đồng ra đề thi.
- Quy trình ra đề thi
- a) Đề thi (tự luận) đề xuất và câu trắc nghiệm thuộc Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa là căn cứ quan trọng cho Hội đồng ra đề thi;
- b) Đề thi (tự luận) đề xuất do một số chuyên gia khoa học, giảng viên, giáo viên có uy tín và năng lực khoa học ở một số cơ sở giáo dục đại học và trường phổ thông đề xuất theo yêu cầu của Bộ GDĐT. Đề thi đề xuất và danh sách người ra đề thi đề xuất phải được giữ bí mật tuyệt đối;
- c) Các đề thi đề xuất do chính người ra đề thi đề xuất niêm phong và gửi về địa chỉ được ghi trong công văn đề nghị;
- d) Soạn thảo đề thi, thẩm định, tinh chỉnh: Căn cứ yêu cầu của đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi (chính thức và dự bị) cho một bài thi/môn thi. Việc soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm thi phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 15 của Quy chế này;
đ) Phản biện đề thi:
– Sau khi soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh, các đề thi được tổ chức phản biện. Các cán bộ phản biện đề thi có trách nhiệm đọc và đánh giá đề thi theo các yêu cầu quy định tại Điều 15 của Quy chế này; đề xuất phương án chỉnh lý, sửa chữa đề thi nếu thấy cần thiết;
– Ý kiến đánh giá của các cán bộ phản biện đề thi là một căn cứ giúp Chủ tịch Hội đồng ra đề thi trong việc quyết định duyệt đề thi;
- e) Đối với đề thi trắc nghiệm:
– Cán bộ Hội đồng ra đề thi rút các đề thi trắc nghiệm từ Ngân hàng câu hỏi thi;
– Trưởng môn đề thi của từng môn thi phân công các thành viên trong Tổ ra đề thẩm định từng đề thi trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi được quy định tại Điều 15 của Quy chế này;
– Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt tinh chỉnh từng câu trắc nghiệm trong từng đề thi; sau khi tinh chỉnh lần cuối, Trưởng môn đề thi ký tên vào các đề thi và bàn giao cho Chủ tịch Hội đồng ra đề thi;
– Cán bộ Hội đồng ra đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau;
– Tổ ra đề rà soát từng phiên bản của đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi;
- g) Người ra đề thi đề xuất và những người khác tiếp xúc với đề thi đề xuất và đề thi trắc nghiệm lấy từ Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phải giữ bí mật tuyệt đối các đề thi đề xuất và câu hỏi thi trắc nghiệm, không được phép công bố dưới bất kỳ hình thức nào, trong bất cứ thời gian nào.
Điều 18. In sao, vận chuyển và bàn giao đề thi tại Hội đồng thi
- In sao đề thi
- a) Thành phần Ban In sao đề thi gồm:
– Trưởng ban In sao đề thi do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm;
– Các Phó Trưởng ban: Lãnh đạo sở GDĐT hoặc lãnh đạo các phòng, ban thuộc sở GDĐT;
– Ủy viên và thư ký: Các cán bộ, công chức, viên chức của các phòng, ban có liên quan thuộc sở GDĐT và giáo viên trường phổ thông;
– Lực lượng bảo vệ: Cán bộ công an, bảo vệ.
- b) Ban In sao đề thi làm việc tập trung theo nguyên tắc cách ly triệt để từ khi mở niêm phong đề thi đến hết thời gian thi bài thi cuối cùng của kỳ thi.
- c) Trưởng ban In sao đề thi chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng thi và trước pháp luật về các công việc dưới đây:
– Tiếp nhận đề thi gốc, tổ chức in sao đề thi, bảo quản và chuyển giao đề thi đã in sao cho Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi của Hội đồng thi với sự chứng kiến của Uỷ viên thư ký Hội đồng thi, cán bộ công an được cử giám sát, bảo vệ đề thi;
– Đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, ra quyết định hoặc đề xuất việc khen thưởng, kỷ luật (nếu có) đối với các thành viên Ban In sao đề thi.
- d) Việc in sao đề thi thực hiện theo quy trình dưới đây:
– Đọc soát đề thi gốc, kiểm tra kỹ bản in sao thử, so sánh với bản đề thi gốc trước khi in sao. Trường hợp phát hiện sai sót hoặc có nội dung còn nghi vấn trong đề thi gốc phải báo cáo ngay với Chủ tịch Hội đồng thi để đề nghị Ban Chỉ đạo thi quốc gia xử lý;
– Kiểm soát chính xác số lượng thí sinh của từng phòng thi, địa điểm thi, môn thi để tổ chức phân phối đề thi, ghi tên địa điểm thi, phòng thi, môn thi và số lượng đề thi vào từng phong bì chứa đề thi, quy định tại khoản 4 Điều 16 Quy chế này trước khi đóng gói đề thi;
– In sao đề thi lần lượt cho từng môn thi; in sao xong, niêm phong đóng gói theo phòng thi, thu dọn sạch sẽ, sau đó mới chuyển sang in sao đề thi của môn tiếp theo. Trong quá trình in sao phải kiểm tra chất lượng bản in sao; các bản in sao thử và hỏng phải được thu lại, bảo quản theo chế độ tài liệu mật;
– Đóng gói đúng số lượng đề thi, đúng môn thi ghi ở phong bì chứa đề thi, đủ số lượng đề thi cho từng Điểm thi, từng phòng thi. Mỗi môn thi ở Điểm thi phải có 01 phong bì chứa đề thi dự phòng (đủ các mã đối với đề thi trắc nghiệm). Sau khi đóng gói xong đề thi từng môn, Trưởng ban In sao đề thi quản lý các bì đề thi; kể cả các bản in thừa, in hỏng, mờ, xấu, rách, bẩn đã bị loại ra.
- Vận chuyển, bàn giao đề thi
- a) Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi do lãnh đạo Hội đồng thi kiêm nhiệm; các ủy viên của Ban và cán bộ công an giám sát do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định.
- b) Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi thực hiện nhiệm vụ nhận đề thi từ Ban In sao đề thi, bảo quản, vận chuyển, phân phối đề thi đến các Điểm thi.
- c) Đề thi phải bảo quản trong hòm, tủ hay két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ 24 giờ/ngày; chìa khóa do Trưởng ban Vận chuyển và bàn giao đề thi giữ.
- d) Có biên bản giao nhận đề thi giữa Ban In sao đề thi với Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi, giữa Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi với lãnh đạo Điểm thi.
Điều 19. Bảo quản và sử dụng đề thi tại Điểm thi
- Đề thi tại Điểm thi do Trưởng Điểm thi bảo quản trong hòm, tủ hay két sắt được khóa, niêm phong và bảo vệ 24 giờ/ngày; chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ.
- Khu vực bảo quản đề thi, bài thi tự luận, Phiếu TLTN có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
- Chỉ được mở túi đựng đề thi và phát đề thi cho thí sinh tại phòng thi đúng thời điểm và đúng môn thi theo quy định trong hướng dẫn tổ chức thi THPT quốc gia hằng năm của Bộ GDĐT.
- Đề thi dự bị chỉ sử dụng trong trường hợp có sự cố bất thường quy định tại Điều 46 Quy chế này.
Trả lời câu hỏi có nên thuê gia sư tại nhà cho con
Sắp công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 vào tháng 5
Phương pháp dạy học kỹ thuật công nghiệp ở trường phổ thông
Phần mềm Violympic luyện thi giải toán cấp 1, cấp 2 (từ lớp 1 đến lớp 9)
Khóa học Toán Soroban, môn toán tư duy, tính nhẩm siêu tốc
Nguyện vọng đăng ký xét tuyển các trường đại học, cao đẳng 2017
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2017