Ca dao về phong tục, tập quán Việt Nam (Phần 2)
Làng Chè vui lắm ai ơi,
Một ngày hai bữa chỉ ngồi ăn không.
Việc làm đã có ông chồng,
Đúc một nồi đồng nuôi chín miệng ăn.
Lụa đậu ba An Ngãi,
Xoài tượng chín Hưng Long.
Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông,
Chiếu che bốn vách còn buồn nỗi chi.
Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ,
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương.
Áo hồng, quần tía vấn vương,
Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì.
Mùng bảy hội Khám, mùng tám hội Dâu,
Mùng chín đâu đâu trở về hội Gióng.
Muốn ăn bánh đúc chợ Ân,
Lấy chồng An Thái cho gần đường đi.
Muốn uống nước chè cặm tăm
Mời về Trà Đúc mà làm đất khuôn
Muốn ăn cơm trắng với tôm
Thổi bễ thúc dồn chớ có nghỉ tay.
Nào ai quyết chí tu hành,
Có về Yên Tử mới đành lòng tu.
Người trước bắc cầu người sau theo dõi,
Người thì xông khói lời nói xông nhang.
Chùa nát thì có Bụt vàng,
Tuy rằng miếu đổ Thành Hoàng vẫn thiêng.
Nhất vui là hội Trần Thương,
Đủ đình đủ đám, thập phương tiếng đồn.
Nhớ ngày mồng Tám tháng Tư
Chẳng xem 78 người thích Thích
Nón ngựa Gò Găng
Bún song thần An Thái
Lụa đậu tư An Ngãi
Xoài tượng chín Hưng Long.
Mặc ai mơ táo, ước hồng,
Tình quê em giữ một lòng trước sau.
Rượu chanh làm tại An Bình,
Xa em không nhớ mà nhớ nguyên bình rượu ngon.
Tai nghe ngự lệnh chèo đua,
Bên kia có miếu có chùa, chùa thiêng.
Tháng Giêng mồng sáu tiệc vui
Gần xa nô nức đến chơi hội này
Trên mũ áo sắp bày nghi vệ
Dưới nhà trò các nghệ giở ra
Bốn bề đào đỏ chanh chua
Đôi bên hàng xứ giãn ra đánh cờ
Trai tráng lực thi bơi thuyền ván
Gái đang thì đánh dún đu đôi
Trên cầu quan hội ngồi chơi
Dưới thời các vãi các nơi cúng giàng
Từ chợ cho chí trong làng
Tổ tôm xóc đĩa đánh tràn cung mây
Ngày thời đàn ngọt hát hay
Đêm thời chèo hát, leo dây ầm ầm…
Thấy cô yếm đỏ răng đen,
Nam mô di Phật lại quên mất chùa!
Ai mua tiên cảnh thì mua,
Thanh la não bạt thầy chùa bán cho.
Hộ pháp thì một quan ba,
Long thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền.
Còn hai mụ Thiện hai bên,
Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo.
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu,
Đẵn cây tre mộc cắm nêu sân chùa.
Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Thứ nhất là hội Cổ Loa,
Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm.
Thuốc An Lương hương thơm, khói nhẹ,
Chè Hòa Hội nước đậm mùi thơm.
Em về mùa vải chợ Gồm,
Gò Năng mua nón, phiên Chàm anh vô.
Tiếng đồn An Thái, Bình Khê
Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo.
Trăm năm tích đức tu hành,
Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu.
Vàng mã làng Giàng,
Chè lam Phủ Quảng.
Chú thích
(*) An Bình: Cù lao giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, thuộc huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ, được phù sa bồi đắp quanh năm, cây trái xanh tươi bát ngát. Nơi này có cảnh đẹp nên thơ và mang những nét văn hóa miệt vườn đặc trưng của vùng sông nước.
(*) An Lương: Thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều thuốc lá ngon có tiếng.
(*) An Ngãi: Làng An Ngãi thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xưa có nghề dệt lụa.
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) An Thái: Làng thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, ở gần chợ Ân.
(*) Bình Khê: Huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định, là nơi có truyền thống thượng võ của đất Tây Sơn.
(*) Bồ Địch: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Chè lam Phủ Quảng: Món chè lam đặc sản của khu vực huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, món ăn này thường được làm vào các dịp lễ tết để cúng tổ tiên vào mừng đầu xuân năm mới. Ngày nay, chè lam được sử dụng như một món quà, ăn quanh năm. Tên gọi của món chè lam này được lấy theo tên phủ Quảng Hóa xưa.
(*) Chợ Ân: Chợ thuộc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có đặc sản bánh đúc ngon.
(*) Chợ Gồm: Tên một chợ nay thuộc xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
(*) Chùa Yên Tử: Là một quần thể di tích nằm trên núi Yên Tử, phía Tây Bắc của thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Quần thể Yên Tử bao gồm 10 ngôi chùa, trong đó tiêu biểu nhất là chùa Đồng, ngự trị trên đỉnh núi ở độ cao 1068m so với mực nước biển. Chùa Yên Tử có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật. Đây là nơi phát tích của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Giếng Vuông: Ngôi làng thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là nơi sản xuất nhiều chiếu cói và mành tre.
(*) Hòa Hội: Làng Hòa Hội thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Ninh Bình, là nơi trồng nhiều chè sen.
(*) Hội Cổ Loa: Cổ Loa là di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên địa phận huyện Ðông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía Tây Bắc, là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng nănm bắt đầu từ ngày mồng 6 đến 16 tháng giêng. Lễ hội là dịp để tưởng nhớ công đức của đức vua An Dương Vương – người sáng lập ra nhà nước Âu Lạc và có công xây thành Cổ Loa.
(*) Hội chợ Dưng: Lễ hội đền thờ Đức Ông, hay Lễ hội chợ Dưng, được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, tại đền thờ Đức Ông nằm bên cạnh đầm Dưng, xã Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Lễ hội được tổ chức với mong ước cả năm đó cuộc sống của người dân được ấm no, mùa màng tốt tươi.
(*) Hội Dâu: Chùa Dâu nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam. Hội chùa mở vào ngày mồng 8 tháng tư đó là ngày sinh của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni. Hội Dâu là hội của dân cư nông nghiêp, ý nghĩa quan trọng nhất của Hội Dâu là cầu cho mưa thuận gió hòa, ước vọng ngàn đời của cư dân nông nghiệp.
(*) Hội Chèm: Hội Đình Chèm được tổ chức tại đình Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đây là một trong những ngôi đình thuộc loại cổ nhất ở Việt Nam, có lịch sử cách đây hơn 1200 năm.
(*) Hội Đổ giàn: Tại Chùa Bà, ngôi chùa thuộc làng An Thái, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, có hội Đổ giàn được tổ chức vào ngày lễ Vu Lan, mang ý nghĩa đề cao tinh thần thượng võ của đất Tây Sơn – Bình Định. Giàn là một cái đài cao bằng tre, trên để các lễ vật như dê, gà, lợn quay. Cuối ngày hội thường có hát bội và tục “tranh heo”, người chủ bái từ trên giàn cao, sau khi xướng xong, tung heo quay xuống đất. Các võ sĩ chờ sẵn phía dưới, tung mình đón bắt con heo rồi vượt đám đông chạy ra ngoài. Giành được heo xem như là một vinh dự lớn cho làng giành được.
(*) Hội Gióng: Hội Gióng thuộc làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Đây là một lễ hội quy mô lớn, hình thức tổ chức rất chặt chẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 4 âm lịch hàng năm (ngày ông Gióng thắng giặc Ân) để tưởng niệm và nhớ ơn người anh hùng làng Gióng đã có công đánh giặc cứu nước, đã được nhân dân suy tôn là Thánh Gióng.
(*) Hội Gióng: Làng Gióng tức làng Phù Đổng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Hội đền Phù Đổng Thiên Vương tục gọi là hội Gióng được tổ chức vào ngày mồng 9 tháng Tư với sự tham dự của dân bốn làng thuộc tổng Phù Đổng: Phù Đổng, Phù Dực, Đồng Viên và Đồng Xuyên. Hội tổ chức cuộc rước diễn lại sự tích đánh giặc Ân của cậu bé làng Gióng mà về sau được các vua phong tặng là Phù Đổng Thiên Vương.
(*) Hội Khám: Hội làng Long Khám là lễ hội được tổ chức tại làng Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh để suy tôn Lý Phủ Quan (thời Tiền Lý). Lễ hội diễn lại về các chiến tích của thành hoàng làng, trong đó có phong tục cướp cây mộc tất. Thời gian diễn ra lễ hội là từ mùng 7 đến mùng 15 tháng 2 (âm lịch).
(*) Hội Trần Thương: Lễ hội đền Trần Thương được tổ chức vào Rằm tháng Giêng và 20 tháng Tám (Âm lịch) hàng năm, là một trong ba lễ hội vùng lớn nhất của tỉnh Hà Nam. Lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, độc đáo, như lễ rước nước và thi bơi chải trên sông.
(*) Hưng Long: Làng Hưng Long thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, là nơi trồng nhiều xoài ngon.
(*) Làng Chè: Làng Chè xưa là Kẻ Chè, nay là làng Trà Đông (Trà Đúc), xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, có nghề đúc đồng nổi tiếng với lịch sử nghìn năm.
(*) Làng Giàng: Thuộc xã Thiệu Dương, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xưa có nghề làm vàng mã.
(*) Phú Phong: Làng thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, có nghề dệt lụa. Con gái Phú Phong có tiếng là đẹp người, đẹp nết.
Tin tức - Tags: ca dao, phong tục, tập quánBài ôn tập ở nhà môn Địa lý lớp 5 – Nghỉ dịch Corona
Ca dao về phong tục, tập quán Việt Nam (Phần 1)
Ca dao về Đạo đức, phẩm tiết, chí khí
Ca dao về các quan hệ xã hội
Ca dao về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng (Phần 3)
Ca dao về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng (Phần 2)
Ca dao về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng (Phần 1)