Mẹo hay viết bài văn nghị luận lớp 7

Để giúp các em học sinh lớp 7 làm tốt dạng văn nghị luận, Trung tâm Gia sư Hà Nội chia sẻ tài liệu Mẹo hay viết bài văn nghị luận lớp 7 dưới đây.

Tải về tài liệu ở cuối bài để xem đầy đủ.

1. Những yêu cầu về dẫn chứng trong văn nghị luận

a. Dẫn chứng phải toàn diện

Khi làm văn nghị luận, người viết phải huy động rất nhiều loại kiến thức, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: khoa học, điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực, thể thao, thời trang, kinh doanh, lịch sử,… Sự hiểu biết của người viết càng rộng thì kiến thức sử dụng trong bài viết càng trở nên phong phú. Điều này góp phần tạo nên sự thuyết phục cho bài viết.

Tuy nhiên, mỗi đề văn có một phạm vi dẫn chứng cụ thể; nếu ta không lấy dẫn chứng gồm các “mảng” trong phạm vi đó sẽ mắc lỗi dẫn chứng không toàn diện. Ví dụ, với đề 2 – Tiếng Việt giàu đẹp (Ngữ văn 7, tập hai, trang 21) thì dẫn chứng phải gồm tiếng Việt trong văn học và trong đời sống (ngôn ngữ sinh hoạt); văn học gồm văn học viết và văn học dân gian (hoặc gồm
thơ ca và văn xuôi), v.v.. Với đề 8 – Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn có mâu thuẫn nhau không? (cũng sách trên) – thì dẫn chứng phải gồm các tấm gương dạy và học thời xưa và thời nay, Việt Nam và thế giới, v.v…

b. Dẫn chứng phải tiêu biểu, chọn lọc

Những sự kiện, nhân vật được nhiều người biết đến, công nhận thì rõ ràng sức ảnh hưởng và sự tác động đến người đọc, người nghe sẽ lớn hơn. Đây là lí do mà người viết cần đọc nhiều hơn về những nhân vật nổi tiếng, được cộng đồng công nhận.

Ví dụ đoạn dẫn chứng dưới đây:

Nick Vujicic là một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực sống; Anh-xtanb, Ê-đi-sơn… là những nhà khoa học nổi tiếng, Hê-len Ke-lơ là một nhà văn Mĩ vượt lên bệnh tật, khiếm khuyết của bản thân để khẳng định tài năng văn học kiệt xuất và trở thành đại sứ của hội người điếc, mù của Mĩ; Bet-thô-ven là nhà soạn nhạc vĩ đại của thế giới, người dọn đường cho thời kì âm nhạc lãng mạn dù ông bị điếc hoàn toàn và phải chịu những đau đớn không hề nhỏ về thể xác; thầy Nguyễn Ngọc Ký bị liệt cả hai tay nhưng đã nỗ lực luyện viết bằng chân, tốt nghiệp đại học và trở thành người thầy tuyệt vời…

c. Dẫn chứng đảm bảo tính chân – thiện – mĩ

Muốn thuyết phục mọi người về một quan điểm, tư tưởng nào đó, dẫn chứng đưa ra cần chân thực, hướng thiện và có tính thẩm mĩ. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc người viết không được phép đưa ra những dẫn chứng về “người xấu, việc xấu”, mà điều cốt yếu là người viết cần hướng đến điều tốt đẹp, lương thiện từ những dẫn chứng đưa ra. Ví dụ:

Chúng ta có quyền phê phán những kẻ lười biếng, dựa dẫm vào người khác, không chịu lao động, làm việc để từ đó khuyên nhủ mọi người sống và làm việc chăm chỉ; chúng ta phê phán một anh chàng đẽo cày giữa đường không có chủ kiến, lập trường của bản thân để từ đó khuyên mọi người cần có chủ kiến của mình, không nên ba phải.

2. Cách đưa dẫn chứng và phân tích dẫn chứng

a. Cách đưa dẫn chứng

Trong bài văn nghị luận, người viết có thể đưa dẫn chứng trước, phân tích, giải thích sau hoặc ngược lại.

– Dẫn chứng đưa ra trước khi nêu lí lẽ để làm tiền đề. Ví dụ:

Người ta kể chuyện đời xưa, một nhà thi sĩ Ấn Độ trông thấy một con chim bị thương rơi xuống bên chân mình. Thi sĩ thương hại quá, khóc nức lên, quả tim hoà cùng một nhịp với sự run rẩy của con chim sắp chết. Tiếng khóc ấy, nhịp đau thương ấy chính là nguồn gốc của thi ca.

Câu chuyện có lẽ là một câu chuyện hoang đường, song không phải không có ý nghĩa. Nguồn gốc cốt yếu của văn chương là lòng thương người và rộng ra thương cả muôn vật, muôn loài.

(Ý nghĩa văn chương – Hoài Thanh)

– Đưa nhận định trước, sau đó đưa dẫn chứng.

Ví dụ:

Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng bóng không?”…

(Theo Trái tim có điều kì diệu)

b. Cách phân tích dẫn chứng

Dẫn chứng được phân tích mới dễ thuyết phục người đọc, chứ nếu chỉ “gọi ra” thì ít tác dụng. Muốn phân tích được dẫn chứng, người viết cần bám sát vào luận điểm. Câu văn phân tích
không cần dài nhưng cần có nhận xét, bình luận sắc sảo, nêu bật được ý kiến của người viết. Lưu ý, không nên phân tích lan man, dài dòng kể lể nhiều về những chi tiết không liên quan đến nội dung luận điểm.

Ví dụ: Để chứng minh luận điểm Sự lười biếng không đem lại thành công, có học sinh đã triển khai các dẫn chứng như đoạn văn dưới đây:

Trong mỗi con người, sự lười biếng tiềm ẩn như một căn bệnh nan ỵ. Và sự lười biếng không bao giờ đem lại thành công. Ít ai biết rằng, khi họ không làm việc trong một thời gian, cơ thể chúng ta sẽ trở nên thụ động, dần quen với cuộc sống hưởng thụ, lời nói và hành động cũng sẽ trở nên khác xa nhau. Ví dụ như một cậu bé luôn có ước mơ trở thành học giả nổi tiếng nhưng lại không bao giờ chăm chỉ học hành. Một học sinh có tâm niệm phải đoạt giải cao nhưng lại không cố gắng hết sức trong bất cứ một kì thi nào. Lời nói luôn song song với hành động, kẻ lười biếng thường chỉ nói được mà không làm được và sẽ không bao giờ cán đích thành công. Một khi đặt ra mục tiêu cho bản thân, chúng ta phải toàn tâm toàn ý thực hiện nó. (…) Như Mary Quy ri, người phụ nữ duy nhất đạt hai giải Nô ben trong lịch sử nhân loại, nhiều học giả đã so sánh bà với con tằm suốt đời miệt mài chăm chỉ làm việc, tập trung vào sự nghiệp của mình, nghiên cứu radium, đóng góp vào ngành khoa học thế giới. Tất cả những người đã và đang thành công đều xuất phát từ sự chăm chỉ, nỗ lực, không bao giờ lười biếng. Vì thế, mỗi chúng ta không nên lười biếng bởi sự lười biếng không thể đem lại thành công.

(Nguyễn Minh Nhật, lớp 7A5, Trường THCS Nguyễn Siêu)

Ở đoạn văn trên, học sinh đưa dẫn chứng về hạng người lười biếng thì sẽ đi với không đạt được thành công, ngược lại, những người chăm chỉ thì thường thành công. Các hiện tượng, nhân vật được người viết lí giải, so sánh, nhận xét cho nên có sức thuyết phục hơn.

Tin tức - Tags: , ,