Tính thời gian gặp nhau của hai chuyển động – Toán lớp 5

Dưới đây là chia sẻ của thầy Cao Hữu Hiền về dạng toán chuyển động. Cụ thể là tính thời gian gặp nhau của hai chuyển động.

Khi các con lớp 5 học toán chuyển động, các con chỉ được học 3 công thức cơ bản:

S = v x t
v = S : t
t = S : v

Việc tính thời gian gặp nhau của 2 chuyển động không phải toán nâng cao nhưng cũng đủ làm nhiều bạn lúng túng. Hôm nay tôi hướng dẫn các con cách tính toán dễ hiểu nhất để các con áp dụng.

THỜI GIAN GẶP NHAU CỦA 2 CHUYỂN ĐỘNG NGƯỢC CHIỀU:

Bài toán: Lúc 7h An và Bình cùng xuất phát. An đi từ A đến B với vận tốc 20km/giờ, Bình đi từ B đến A với vận tốc 30km/giờ. Hỏi hai bạn gặp nhau lúc mấy giờ biết quãng đường AB dài 75km.

Lời giải:

|A————————————————-B|

Sau 1 giờ khoảng cách giữa 2 người thu hẹp số ki-lô-mét là:
20 + 30 = 50 (km)
Khoảng cách ban đầu giữa 2 người là 75km nên sẽ gặp nhau sau thời gian là:
75 : 50 = 1,5 (giờ)
An và Bình gặp nhau lúc:
7 + 1,5 = 8,5 (giờ) = 8 giờ 30 phút

THỜI GIAN GẶP NHAU CỦA 2 CHUYỂN ĐỘNG CÙNG CHIỀU:

Bài toán: An đi xe đạp với vận tốc 12,5km/giờ từ Hà Nội về Hải Dương, khởi hành lúc 5 giờ. Đến 7 giờ, Bình đi xe máy từ Hà Nội về Hải dương đuổi theo với vận tốc 37,5km/giờ. Hỏi Bình đuổi kịp An lúc mấy giờ?

Lời giải:
|HN—————|C—————————————–HD|
Lúc Bình xuất phát thì An đã đi đến C, cách HN số ki-lô-mét là:
12,5 x (7-5) = 25 (km)
Coi như An và Bình cùng xuất phát ở 2 vị trí khác nhau, cùng đi về Hải Dương.
Bình đi nhanh hơn An nên sau 1 giờ khoảng cách giữa 2 người thu hẹp số ki-lô-mét là:
37,5 – 12,5 = 25 (km)
Khoảng cách ban đầu giữa 2 người là 25km nên sẽ gặp nhau sau thời gian là:
25 : 25 = 1 (giờ)
An và Bình gặp nhau lúc:
7 + 1 = 8 (giờ)

Sau khi các con đã hiểu bản chất, các con có thể áp dụng 2 công thức sau:

Thời gian gặp nhau đi ngược chiều = Khoảng cách : tổng vận tốc.

Thời gian gặp nhau đi cùng chiều = Khoảng cách : hiệu vận tốc.

Toán lớp 5 - Tags: