Sổ tay Văn học 11
Khóc Dương Khuê – Nguyễn Khuyến
Tác giả
Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), người Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Nhà nghèo, rất hiếu thảo, học giỏi và có chí lớn. Đỗ đầu ba kỳ thi, được người đời ái mộ gọi là “Tam nguyên Yên Đổ”. Làm quan dưới triều Nguyễn. Yêu nước nhưng bất lực trước thời cuộc, cáo quan về quê, không cam tâm làm tôi tớ – tay sai cho thực dân Pháp.
Tác phẩm: Còn để lại trên 800 bài thơ nôm và thơ chữ Hán, vài chục câu đối nôm. Thơ Nguyễn Khuyến bình dị mà điêu luyện, mộc mạc mà thâm trầm, hóm hỉnh. Ông là nhà thơ của làng quê. Một hồn thơ thanh cao, chứa chan nghĩa tình đối với quê hương, gia đình, bằng hữu. Những bài thơ thu, những bài thơ viết về vợ con, tình bạn… là hay nhất, cảm động nhất. Nguyễn Khuyến là nhà thơ nôm kiệt xuất của đất nước ta.
Xuất xứ
Dương Khuê (1839 – 1902) vị đại quan của triều Nguyễn. Là nhà thơ để lại một số bài thơ hát nói tuyệt tác. Là bạn đồng khoa, rồi trở thành bạn tri kỷ của Nguyễn Khuyến.
Năm 1902, Dương Khuê qua đời, Nguyễn Khuyến viết bài thơ chữ Hán, nhan đề “Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương thượng thư”, sau đó tác giả tự dịch ra chữ Nôm thành bài “Khóc Dương Khuê” bằng thơ song thất lục bát gồm có 38 câu thơ.
Chủ đề
Đau xót và thương tiếc bạn, khi bạn đột ngột qua đời. Nhớ lại những kỷ niệm đẹp của một tình bạn đẹp, càng cảm thấy cô đơn và đau đớn hơn bao giờ hết.
Phân tích
1. Bạn thân qua đời đột ngột. Được tin đau đớn bàng hoàng:
“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”
Bốn tiếng “thôi đã thôi rồi” thốt lên như bất ngờ đánh rơi mất một cái gì vô cùng thiêng liêng. Nỗi đau xót ngậm ngùi thấm sâu từ lòng ta, mà tỏa rộng khắp “nước mây man mác” bao la. Ngôn ngữ bình dị mà tiếng khóc lâm ly thấm thía. Thật vô cùng điêu luyện.
2. Nhớ từ thuở…
Giờ đã âm dương đôi đường cách trở, nhưng những kỷ niệm đẹp ngày nào vẫn nhớ mãi không nguôi. Nhớ kỷ niện xưa là thương tiếc bạn vô cùng, là tự hào về một tình bạn đẹp, thủy chung. Tuổi già khóc bạn nên mới kể lể như vậy:
– Nhớ ngày đỗ đạt, thành đôi bạn đồng khoa, biết mấy tự hào:
“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi với bác cùng nhau”
– Nhớ những lần du ngoạn thảnh thơi:
“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”
– Nhớ khi đàm đạo văn chương tâm đầu ý hợp. Một chén rượu, một cung đàn, một điệu hát… nhớ mãi bạn tao nhân tri âm ở đời:
“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần trước sau”
– Cùng chung hoạn nạn. Cùng chung tuổi già. Ba chữ “thôi” như một tiếng thở dài ngao ngán:
“Bác già tôi cũng già rồi
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!”
– Kỷ niệm cuối cùng đôi bạn già gặp nhau. Nhiều mừng vui bịn rịn. Phảng phất lo âu. Xúc động bồi hồi. Bạn đã mất rồi mà nhà thơ tưởng như bạn còn hiển hiện:
“Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”
3. Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời…
– Bạn đã mất rồi. Tin buồn đến quá đột ngột. Đau đớn cực độ như chết đi nửa con người. Không thể nào tin được “sự việc” đã xảy ra. Vừa bàng hoàng ngạc nhiên vừa tái tê đau đớn! Nhà thơ như tự hỏi mình:
“Làm sao bác vội về ngay
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời”
– Trách bạn “Vội vàng chi đã mải lên tiên”. Cảm thông với nỗi “chán đời” của bạn vì tuổi già lại ốm đau,… Bạn “lên tiên” để nhà thơ ở lại cõi trần, trở nên cô đơn lẻ bóng. Với Nguyễn Khuyến nỗi đau như nhân lên nhiều lần: vợ mất, con chết, nay bạn tri âm lại qua đời. Cuộc sống mất hết niềm vui và trở nên vô nghĩa. Nhà thơ nhắc lại 2 điển tích về Bá Nha và Chung Tử Kỳ (đàn kia), về Trần Phồn và Từ Trĩ (giường kia…) để diễn tả nỗi buồn bơ vơ, cô đơn, lẻ bóng.
Đây là 6 câu thơ hay nhất trong bài được nhiều người hau nhắc đến khi nói về tình bạn. Có 6 chữ “không”, 2 từ láy: “hững hờ”, “ngẩn ngơ” – cho thấy nghệ thuật sử dụng ngôn từ cực kỳ điêu luyện, thơ liền mạch – của Tam nguyên Yên Đồ:
“Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mùa
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai ai biết mà đưa.
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”
– Nỗi đau đớn, tiếc thương bạn không thể nào kể xiết. Nhà thơ như “lặng” đi. Tuổi già vốn ít lệ. Chỉ biết khóc bạn trong lòng:
“Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”
Câu thơ chữ Hán diễn tả ý thơ này, nỗi đau như nén lại:
“Lão nhân khốc vô lệ,
Hà tất cưỡng nhi liên”
Nghĩa là: Người già khóc không nước mắt – Cac chi mà cố gượng cho (nước mắt) giàn giụa ra.
Kết luận
“Khóc Dương Khuê” là bài thơ hay nhất, cảm động nhất nói về một tình bạn đẹp, thắm thiết, thủy chung của 2 nhà nho, 2 nhà thơ một trăm năm về trước. Nguyễn Khuyến khóc bạn cũng như đang tự khóc mình. Thể thơ song thất lục bát giàu âm điệu trầm bổng, réo rắt đã góp phần tạo nên giọng lâm li thê thiết. Câu thơ nào, vần thơ nào cũng như thấm đầy lệ. Bài thơ “Khóc Dương Khuê” khác nào một bài văn tế?
Ebook, Sách tham khảo - Tags: ngữ văn 11, sổ tay, văn học 11Ebook Dạy trẻ phát triển tư duy – Edward de Bono
Ebook Trò chơi với chữ cái và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em - Đặng Thu Quỳnh
Trọn bộ tài liệu Mầm Non
Ebook Khoa học kỳ thú dành cho trẻ em – Do, Gi-seong full 8 tập
Ebook rèn kỹ năng giải bài tập Vật Lý 9
Sách bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học 9
Sách Để học tốt Lịch sử lớp 9