Sổ tay Văn học 11
Thể loại tác phẩm văn học
Chợ đồng
Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?
Dở trời, mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,
Pháo trúc nhà ăn một tiếng đùng.
Nguyễn Khuyến
Hãy phân tích bài thơ “Chợ Đồng” của Nguyễn Khuyến.
Bài làm
Thi sĩ Xuân Diệu từng mệnh danh Nguyễn Khuyến là nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam, Yên Đổ, Bình Lục, tỉnh Hà Nam, một vùng đồng chiêm trũng là nơi chôn ray cắt rốn của Nguyễn Khuyến. Với tuổi đời 75 năm, chỉ có 12 năm đi làm quan, còn lại trên nửa thế kỷ, ông gắn bó với làng xóm quê hương, với “Vườn Bùi chốn cũ” với núi An Lão, với chợ Đồng,… thân yêu.
Nguyễn Khuyến đã mất non thế kỷ, nhưng thơ ông, trái tim ông vẫn sống, vẫn gắn bó với cảnh dân, tình dân. Cuộc sống thôn dã bình dị như thấm vào câu chữ bài thơ “Chợ Đồng” này:
“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng.
…
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”.
Ta đã biết nhiều tên chợ, phiên chợ trong ca dao, dân ca. “Chợ huyện một tháng sáu phiên – Gặp cô hàng xén kết duyên Châu – Trần”, “Chợ Viềng năm có một phiên – Cái nón anh đội cũng tiền anh trao”. Và chợ Đồng quê hương Tam nguyên Yên Đổ.
Hai câu thơ đầu như một lời nhẩm tính chợt nhớ ra và hỏi, tự hỏi mình hay hỏi bà con đi chợ về?
“Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,
Năm nay chợ họp có đông không?”
Làng Vị Hạ, quê hương Nguyễn Khuyến có chợ Và, còn gọi là chợ Đồng, mỗi tháng có 9 phiên họp vào ngày chẵn: 4, 6, 10, 14, 16, 20, 24, 26, 30. Ba phiên chợ cuối năm, chợ không họp trong làng nữ, chợ tết nên họp ở cảnh nương mạ, cạnh một đền cổ ba gian. Những năm được mùa, chợ Đồng, ba phiên tết đông vui lắm. Trái lại, những năm mất mùa, chợ Đồng thưa thớt người mua bán. Câu thơ thứ nhất nhắc đến một nét đẹp của quê hương. Tết đã đến, hai mươi bốn tháng chạp chợ Đồng đã vào phiên. Hai tiếng “năm nay” thời gian không xác đinh. Có phải đó là năm Quý Tị (1893), năm Ất Tị (1905) đê sông Hồng bị vỡ, vùng Hà Nam bị lụt lớn: “Tị nước Tị này chục lẻ ba – Thuận dòng nước cũ lại bao la…” (Vịnh lụt). Năm tiếng “chợ họp có đông không?” như một tiếng thở dài đằng sau câu hỏi nhỏ. Câu thơ chứa đầy tâm trạng; tâm trạng của một nhà nho gắn bó với bao nỗi vui buồn của nhân dân giữa thời loạn lạc, đói rét, lầm than.
Tiếp theo hai câu 3, 4 trong phần “thực” thêm một câu hỏi nữa, diễn tả nỗi lòng nhà thơ. Ta như cảm thấy một ông già lụ khụ, tay chống gậy trúc, ngơ ngác nhìn trời, tự hỏi:
“Dở trời mưa bụi còn hơi rét
Nếm rượu tường đến được mấy ông?”
“Dở trời” là thời tiết không thuận. Mưa bụi, mưa phùn liên miên, đường sá, “ngõ trúc quanh co” nơi làng quê đi lại bùn lầy, nhớp nháp. Cả một miền quê năm hết tết đến chỉ “còn hơi rét”. Cái rét từ trong lòng người rét ra. Hơi rét của đất trời cùng với mùa bụi trắng trời trắng đất như vây chặt lại bà con nơi chốn quê lam lũ. Câu thơ “Dở trời mưa bụi còn hơi rét” mang hàm nghĩa về cảnh lầm than, nỗi cơ hàn của nhân dân, của bà con dân cày nghèo khổ, cực nhọc. Chợ Đồng đang họp trong mưa rét!
“Ném rượu tường đền” là một nét đẹp cổ truyền diễn ra trong 3 phiên chợ Đồng cuối năm. Các bô lão làng Vị Hạ vẫn ngồi tựa lưng vào tường đền “nếm rượu”, xem thứ rượu nào ngon thì mua để tế lễ thánh trong dịp Tết và đầu xuân. Chỉ một nét đẹp trong phong tục quê hương vẫn được Nguyễn Khuyến mến yêu và trân trọng. “Được mấy ông?”, có là bao nữa, thưa thớt, vắng vẻ cả rồi. Câu thứ tư ý tại ngôn ngoại, đã thể hiện nỗi buồn bơ vơ, cô đơn của một nhà nho bất đắc chí, như ông đã nói trong bài “Gửi bạn”:
“Đời loạn đi về như hạc độc,
Tuổi già hình bóng tựa mấy côi”.
hoặc:
“Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ”
(Ngày xuân dặn các con)
Hai câu 3, 4 chỉ một vài nét đơn sơ, tác giả đã tái hiện khung cảnh, không khí buồn tẻ một phiên chợ Đồng “năm nay” thưa thớt, vắng vẻ buồn trong mưa rét. Nó có giá trị hiện thực phản ánh cảnh dân, tình dân trên miền Bắc nước ta một trăm năm về trước.
Nguyễn Khuyến có tài ghi không khí cuộc sống dân dã vào trong những câu thơ của mình. Đây là cảnh chợ ta, nhà thơ tả những âm thanh, những tiếng đời mà ông “nghe” được:
“Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.”
Có người cho rằng bài thơ “gợi lên không khí rộn rịp cảnh chợ Đồng” trong hai câu 5, 6 này, Xuân Diệu đã hiểu ngược lại. Thi sĩ nói: “Người về”, ở đây không phải là về họp mà là ra về; càng về cuối chơ, có cái huyên thiên của sự rã đám, kẻ đòi nợ càng thúc người chịu nợ… Cái âm “xáo xác” đối với cái thanh “lung tung”. “Xáo xạc” nghĩa là ồn ào mà ngơ ngác. Lung tung là rắc rối, loạn xạ cả lên. Tan chợ, phiên chợ Tết mà chỉ có tiếng đòi nợ, thúc nợ lung tung!
Cảnh hàng quán mua bán “nghe xáo xác”. Cái buồn của sự đói nghèo càng được nhân lên khi năm hết, tết đến rồi. Hai câu trong phần thực nói về cái rét, hai câu trong phần luận tả cái nghèo. Có nỗi khổ nào lớn hơn nỗi khổ cơ hàn? Vạn khôt bất như bần? Dân gian có câu: “Thứ nhất con đói, thứ hai nợ đòi, thứ ba nhà dột”. Đó là 3 cái khổ của người nghèo xưa nay. Nguyễn Khuyến đã “nghe” được bao nỗi đời cay cực của nhân dân trong xã hội cũ, nên ông mới viết thấm thía như vậy: “Nợ nần năm hết hỏi lung tung”.
Ông đã chỉ ra cái nguyên cớ của cái nghèo cái rét ấy:
“Năm nay cày cấy vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muốn cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Tằn tiện thế mà không khá nhỉ?
Nhờ trời rồi cũng mấy gian kho!”
(Chốn quê)
Trở lại bài “Chợ Đồng”, hai câu kết chứa chất bao tâm trạng. Người đi chợ về đã vãn. Một mình nhà thơ đứng bơ vơ nhẩm tính: “Dăm ba ngày nữa tin xuân tới”, năm cũ dần qua, năm mới dần sang. Cái rét, cái nghèo vẫn là nỗi lo, nỗi buồn man mác. Chợt nhà thơ giật mình trước cái âm thanh “Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng!”. Tác giả vận dụng tài tình điển tích về tiếng pháo trúc xua đuổi ma quỷ của Lý Điền ngày xưa bên Trung Quốc để tại ra một ý mới. Tiếng pháo trúc “nhà ai” nổ “một tiếng đùng” như muốn xua đi cái nghèo đói của năm cũ để “co cẳng đạp thằng bần ra cửa… giơ tay bồng ông phúc vào nhà” (Nguyễn Công Trứ). Nguyễn Khuyến đã từng chợt tỉnh khi nghe “cá đâu đớp động dưới chân bèo”, và giờ đây, trong cảnh “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng” vãn, ông lại bồi hồi ngơ ngác lúc nghe “Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”. “Nhà ai” – không rõ, mơ hồ, xa xăm. Nỗi cô đơn của nhà thơ không thể nào kể xiết được!
“Dăm ba ngày nữa tin xuân tới,
Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng”
“Tin xuân tới” với bao nỗi mong chờ cho dân cày mát mặt, “nhờ trời” để dân lạng Vị Hạ “được bát cơm no”. Nguyễn Khuyến tả cảnh chợ Đồng với bao nỗi buồn, lo, le lói một niềm mong ước cho dân nghèo khi “tin xuân đến”. Đó là tấm lòng thương dân, lo đời đáng quý.
Nguyễn Khuyến mất năm 1909, đúng 40 năm sau, giặc Pháp kéo quân tới chiếm đóng Vị Hạ, càn quét bắn phá dã man. Chợ Đồng tan từ đấy, và tục họp chợ Đồng vào cuối năm cũng mất. Bài thơ “Chợ Đồng” của Nguyễn Khuyến như một tấm bia nói về cuộc sống và phong tục làng quê xưa. Bài thơ thất ngôn bát cú cho ta nhiều ấn tượng. Ngôn ngữ bình dị, thuần Nôm. Giọng thơ trầm lặng, đượm một nỗi buồn man mác, cô đơn. Cảnh dân và tình dân được thể hiện qua một bút phát điêu luyện. Cái hồn quê xưa như kết đọng qua âm thanh “xáo xác”, qua hình ảnh “nếm rượu tường đền” của các bô lão tóc bạc phơ dưới làn mưa bụi “Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng”… Nguyễn Khuyến vẫn đang hiển hiện cùng làng nước quê hương.
Biển đêm
New Page 21
Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa
Cuối chân trời u ám, đã thành ma!
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng,
Chôn vùi thân giữa sóng muôn trùng!
Biết bao đã chết rồi lái bạn
Cơn cuồng phong cuốn sạch trong đời
Ném tan tành trên mặt nước xa khơi!
Còn ai biết nổi chìm kiếp ấy
Mỗi sóng xô vồ cướp lấy mồi
Một mảnh thuyền, một tấm thân trôi!
Còn ai hay, hỡi người xấu số
Giữa mênh mông, thi thể về đâu
Trán anh va vào đá nhô đầu!
Ôi! Biết bao mẹ cha hi vọng
Ngày lại ngày trên bãi bờ quê
Ngóng trông ai không thấy trở về!
Tối đến, trên đống neo hoen gỉ
Nhà nhà vui, bên lửa vây quanh
Có khi người nhắc đến tên anh.
Trong khúc hát, tiếng cười, câu chuyện,
Giữa cái hôn của cả người yêu,
Lúc anh nằm dưới đáy xanh rêu!
Người lại hỏi: anh đâu rồi nhỉ
Vua đảo nào, hay gặp chốn giàu sang?
Rồi chẳng còn ai nhớ… dần tan
Thân trong nước, tên trong trí nhớ…
Thời gian qua dần phủ bóng đen
Trên biển sâu và lòng lãng quên!
Chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa
Người người lo thuyền lưới, đi cày
Chỉ đêm đêm, giông bão gào lay
Những người vợ bơ phờ mỏi mắt
Kể về anh, khêu lớp tro tàn
Của lòng đau và của lo than!
Và đến lúc khép rồi nấm mộ
Chẳng còn ai biết nữa tên anh!
Hòn đá trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn ai nhớ anh đâu!
Ôi! Đâu hết những người thủy thủ
Chìm trong đêm, bi thảm đời người
Kinh hoàng bao lòng mẹ, biển ơi!
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt bọng kêu la
Mỗi chiều về, lại đến cùng ta!
Tố Hữu dịch
Phân tích
Huygô (1802 – 1885) với 60 năm sáng tác đã để lại một sự nghiệp văn chương vô cùng đồ sộ: thơ, tiểu thuyết, kịch… Cảm hứng nhân đạo dào dạt trong thơ văn của ông. Trước khi qua đời ba ngày, đi vào cõi vĩnh hằng bất tử, ông còn ghi lại những dòng chữ như nhắn tin cùng mai hậu: “Yêu thương là hành động!”
Huygô đã hướng tình yêu thương về phía những người nghèo khổ, những số phận bất hạnh bi thương trên cõi đời, khẳng định và ca ngợi những phẩm chất cao quý của họ, đồng thời căm giận lên án cái ác – nguyên nhân làm cho con người đau khổ.
Nói đến Huygô là nói đến những “bình nguyên thơ” của ông với màu xanh trữ tình bất tuyệt trải dài trên 17 tập thơ với 15 vạn 3 ngàn 873 câu thơ. Những bài thơ như “Biển đêm”, “Mùa gieo hạt, buổi chiều”, “Tháng năm đầy hoa”, “Bài hát”,… của Huygô đã một thế kỷ nay được nhiều thế hệ học sinh Việt Nam yêu thích.
Bài thơ “Biển đêm” rút trong tập thơ “Tia sáng và bóng tối” xuất bản năm 1840 – đó là tập thơ thứ tư trong vườn thơ ca của Huygô. Nhan đề bài thơ – tiếng Pháp là “Oceano nox”. Tố Hữu dịch là “Biển đêm”, một số người khác dịch là “Đêm đại dương”. Đại dương vốn là một không gian mênh mông, bao la, nơi chứa đựng bao điều bí mật đới với con người xưa nay, chứa chất bao huyền thoại. Khi mà khoa học chưa phát triển kì diệu như ngày nay, thì biển và đại dương trong màn đêm mịt mùng gợi lên trong lòng hàng triệu con người nhiều bí hiểm, huyền bí… Với nhan đề “Biển đêm”, “Đêm đại dương” thi phẩm đã đem đến cho ta một trường liên tưởng mênh mông về những bão tố, những vụ đắm tàu kinh hãi… Nhan đề bài thơ cho ta nhiều xúc động để tiếp cận những vần thơ.
“Biển đêm” gồm 8 khổ thơ, mỗi khổ thơ có 6 dòng thơ, mỗi dòng thơ, câu thơ tiếng Pháp có từ 8-12 âm tiết, thể hiện một bút pháp vô cùng điêu luyện. Hai khổ thơ đầu nói lên số phận bi thảm của thủy thủ sau cơn bão tố. Bốn khổ thơ tiếp theo: nỗi thương nhớ chờ mong… của người thân thương đối với những thủy thủ bất hạnh. Hai khổ thơ cuối: sự quên lãng của thời gian và người đời… Mạch cảm xúc trữ tình được tuôn chảy theo dòng thời gian, tạo nên sự lắng đọng ngậm ngùi và tiếc thương, xót xa vô hạn đối với độc giả gần 200 năm nay.
1. Cơn cuồng phong cuốn sạch trang đời
Mười hai câu thơ đầu nói lên tai họa trên biển đêm sau cơn bão tố. Bao thuyền viên và thủy thủ lên đường cho một chuyến đi xa và đi dài. Đó là những con người dũng cảm đáng yêu. Ngày lên đường với bao niềm vui và hăm hở, trẻ trung và yêu đời.
“Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa”
Tiếp theo là những hình ảnh diễn tả thảm họa đối với họ. Một đêm không trăng giữa đại dương mênh mông mịt mùng, nơi cuối chan trời xa lắc, dưới muôn ngàn lớp sóng cồn họ đã chết một cách thê thảm. Huygô đã sử dụng bút pháp tương phản giữa 2 câu đầu và 10 câu thơ tiếp theo, tương phản giữa niềm vui ngắn ngủi với thảm họa và cái chết bi thảm giữa đại dương bao la, vô tận, gợi nên bao xúc động và xót thương đối với các thuyền viên, thuyền trưởng:
“Cuối chân trời u ám, đã thành ma!
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng,
Chôn vùi thân giữa sóng muôn trùng!”
Thảm họa đến bất ngờ, họ đã “biến mất”, không một nấm mồ trên cõi nhân gian. Họ đã “vùi thân” dưới đáy đại dương và muôn trùng con sóng. Mọi cái chết đầu đau thương, nhưng cái chết đắm tàu trong bão tố của những người đi biển thật vô cùng bi thảm.
Cuộc đời những thuyền viên, thuyền trưởng như một cuốn sách mỏng bị bão tố xé nát từng trang, ném tơi tả tan tành trên sóng cuộc trùng dương. Con thuyền của họ bị sóng gió đại dương xô đập, vỡ tan tành. Những con sóng được nhân hóa như đang vồ lấy, cướp lấy “mồi” – những nạn nhân và con tàu tội nghiệp.
“Cơn cuồng phong cuốn sạch trong đời
Ném tan tành trên mặt nước xa khơi!
Còn ai biết nổi chìm kiếp ấy
Mỗi sóng xô vồ cướp lấy mồi
Một mảnh thuyền, một tấm thân trôi!”
Mở đầu bài thơ là một tiếng kêu thương “Ôi!” (Oh!) và hàng loạt câu cảm thán cùng với điệp ngữ “biết bao nhiêu” vang lên 4 lần gợi lên ám ảnh không cùng về nỗi xót thương và sự hãi hùng đối với cái chết đau đớn của các thuyền viên, thuyền trưởng gặp thảm họa giữa biển đêm. (Combien de marins… Combien capitaines,… combien ont disparu…, combien de patrons morts,..). Tố Hữu dịch được từ “biết bao nhiêu” hai lần: “Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền trưởng… Biết bao đã chết rồi lái bạn…”
2. Còn ai hay, hỡi người xấu số…
Năm tháng dần trôi qua… Trên các bến cảng, những con tàu khác vẫn ra đi, và những con tàu khác vẫn trở về cập bến. Nhưng cũng có biết bao cha già, mẹ yếu đợi chờ mỏi mòn những đứa con đi biển đã lâu ngày chưa trở về. Thật đau thương “Còn ai hay hỡi người xấu số…”. Dưới đâu các đại dương, thi thể (nắm xương tàn) vẫn bị sóng xô đẩy. Hai lần bị đau đớn: chết trong hãi hùng, nay “thi thể về đâu” và “trán anh va vào đá nhô đầu!”. Chết không một nấm mồ! Chết vẫn còn đau đớn:
“Giữa mênh mông, thi thể về đâu
Trán anh va vào đá nhô đầu!”
Tưởng tượng là phẩm chất của thơ. Tưởng tượng càng phong phú bao nhiêu thì cảm xúc càng sâu lắng bấy nhiêu! Nghĩ về thịt nát xương tan của những thủy thủ, thuyền trưởng xấu số mà nhà thơ đau lòng, thương xót. Cha mẹ họ mòn mỏi đời chờ họ trên những phiến đã bờ đại dương, nay cũng đã chết cả rồi; chết trong sầu muộn, chết trong già yếu. Khổ ba nói về hai cái chết: chết thảm khốc của kẻ ra đi, và cái chết lặng lẽ âm thầm của mẹ cha trong sự đợi chờ vô vọng. Còn ai nữa để khóc thương cho những người đi biển xấu số?
“Ôi! Biết bao mẹ cha hi vọng
Ngày lại ngày trên bãi bờ quê
Ngóng trông ai không thấy trở về!”
Sự ám ảnh và nỗi lo âu của mẹ cha già yếu, chết mòn mỏi trong đợ chờ tuyệt vọng – Trong nguyên tác chưa được lột tả đầy đủ trong bản dịch thơ này.
Mỗi tối đến, lúc lên đèn trong những mái nhà êm ấm nơi quê hương, trên những bến bờ xứ sở, cũng có người nhắc đến tên các anh – những người xấu số đi mãi chưa về. Người thân thương chỉ còn biết nhớ lại, gợi lại tiếng cưới, câu hát, chuyện phiêu lưu và nụ hôn thầm lén của người yêu xưa. Kỷ niệm càng chồng chất thì nỗi đau mất mát người thân yêu càng xót xa thương cảm:
“Có khi người nhắc đến tên anh.
Trong khúc hát, tiếng cười, câu chuyện,
Giữa cái hôn của cả người yêu,
Lúc anh nằm dưới đáy xanh rêu!”
Thương nhớ rồi hy vọng. Mãi vẫn không thấy anh trở về. Cũng có người thầm nhắc, băn khoăn tự hỏi: hay các anh (Kẻ đắm tàu đã chết trên đại dương mịt mùng) đã trở thành vua hải đảo nào, hay đang sống trong cuộc đời giàu sáng mà nhạt tình quê hương? Dòng chảy thời gian trôi mãi…, trôi mãi. Năm tháng mờ xa dần: “Rồi chẳng ai còn nhớ… dần tan”. Câu thơ: “Thân trong nước, tên trong trí nhớ” là một câu thơ hay, cảm động. Hình ảnh cụ thể đặt trong thế sánh đôi: “Thân trong nước” (hình ảnh thể xác – một nắm xương tan) và “tên trong trí nhớ) (hình ảnh tinh thần). Tất cả đều rơi vào quên lãng. Các từ ngữ: “trí nhớ”, “thời gian”, “bóng đen”, “biển sâu”, “lòng lãng quên” được phối hợp trong một chỉnh thể ngôn ngữ để diễn tả nỗi đau lòng và thương cảm của nhà thơ trước sự khắc nghiệt của thời gian và sự quên lãng. Chẳng còn thấy ai nhớ đến những người đi biển xấu số. Câu thơ dịch khá hay:
Rồi chẳng còn ai nhớ… dần tan
Thân trong nước, tên trong trí nhớ…
Thời gian qua dần phủ bóng đen
Trên biển sâu và lòng lãng quên!”
Sự lãng quên của người đời càng làm cho nỗi đau dồn tụ lại, nén chặt lại trong lòng người vợ góa – người cô phụ! Đã bao nhiêu đêm dài, bao năm tháng dằng dặc, nàng đợi chờ người chồng xấu số. Tuổi xuân đã trôi qua. Trong lúc người đời bận rộn với công việc làm ăn (chài lưới, cày ruộng…) “chẳng ai nhớ dáng hình anh nữa” thì chỉ có người vợ góa đau khổ “bơ phờ mỏi mắt” buồn tủi, đau xót thương nhớ người chồng thân yêu đi biệt mãi. Mọi kỉ niệm đẹp một thời bi phủ dưới “lớp tro tàn” của thời gian được người vợ nhắc lại trong nỗi đau tê tái:
“Chỉ đêm đêm, giông bão gào lay
Những người vợ bơ phờ mỏi mắt
Kể về anh, khêu lớp tro tàn
Của lòng đau và của lo than!”
Hình ảnh “lớp tro tàn”, “lòng đau”, “lò than” cực tả nỗi đau khôn nguôi trong lòng người cô phụ. Đau trong nỗi đau cô đơn, chỉ mình nàng biết, chỉ mình nàng hay!
Trong phần hai của bài thơ “Biển đêm”, tứ thơ vận động theo quy luật thời gian và dòng đời. Khổ 3, nói về sự nhớ thương của cha me… Khổ 4, người thân yêu nhắc lại những hình ảnh và kỉ niệm về những kẻ viễn du trên những con tàu đi mãi chưa về. Khổ 5, nói về sự quên lãng của người đời đối với các anh. Khổ 6 nói về thương nhớ, đau xót không nguôi của những người vợ goá trong những đêm dài. Có thể nói tiếng thơ của Huygô đã diễn tả một cách sâu sắc, cảm động nỗi đau trong 9 tầng sâu của lòng người – những người vợ có chồng đã chết thê thảm trong bão tố giữa mịt mùng biển đêm.
3. Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ…
Hai khổ cuối diễn tả nỗi lòng nhà thơ đối với những thủy thủ vĩnh viễ vùi xác dưới các đại dương. Thủ phát nghệ thuật tương phản được vận dụng thần tình để làm nổi bật tấm lòng nhân đạo bao la của tác giả.
Sự lãng quên vĩnh viễn về số phận bi thảm của những người bị đắm tàu là qui luật khắc nghiệt của thời gian và sự bận rộn của cuộc đời. Sau khi những người vợ góa qua đời thì cảm thương thay, chẳng còn một ai nhắc đến tên các anh. Hòn đá, cây liễu, người hành khất và bài hát buồn… nào ai còn nhớ đến anh đâu! Cỏ cây… và lòng người đều quên lãng. Các thuyền viên, thuyền trưởng đều trở thành cô hồn giữa đại dương:
“Hòn đá trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn ai nhớ anh đâu!”
Rồi nhà thơ xúc động cất lên lời than. Huygô như đang nhìn vào nơi đây sâu thẳm đại dương mà đau xót:
Ôi! Đâu hết những người thủy thủ
Chìm trong đêm, bi thảm đời người”
Sóng thủy triều mỗi buổi chiều dâng lên như đang cùng nhà thơ đối thoại và chia sẻ với bao nỗi thương tâm. Sóng như một chứng nhân về thảm họa một đêm không trăng trên đại dương thuở nào đang thầm thì với nhà thơ. Chỉ có sóng – tượng trưng cho thiên nhiên vĩnh hằng, chiều chiều cùng với thủy triều dâng lên như những bài ca bất tận về những người đã khuất trên biển đêm. Sóng đại dương mãi mãi chia sẻ với nhà thơ nỗi đau lòng, thương cảm đối với những người bất hạnh vùi thân dưới đáy đại dương mịt mùng. Sóng đã được nhân hóa, sóng đang cùng nhà thơ cảm thương đau xót, kể lại nhưng câu chuyện đau lòng cho những người mẹ đang quỳ gối nguyện cầu.
Vần thơ mang sắc điệu trữ tình rung lên như một tiếng lòng nức nở thể hiện đằm thắm, thiết tha chủ nghĩa nhân đạo bao la của Huygô:
“Kinh hoàng bao lòng mẹ, biển ơi!
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt bọng kêu la
Mỗi chiều về, lại đến cùng ta!”
Những người biết tiếng Pháp chút ít, mỗi lần đọc đến câu thơ cuối bài, rất lấy làm thú vị về âm điệu, nhạc điệu ngân rung được Huygô diễn tả một cách tinh tế qua các điệp thanh, các phụ âm “v” dồn dập như những làn sóng biển:
“Que vous avez le soir quand vous venez vers nous!” “Biển đêm” là một bài thơ chứa chan tinh thần nhân đạo.
Cái chết bi thảm của những thủy thủ trên đại dương để lại bao lỗi đau lòng thương nhớ không nguôi trong lòng người. Trong dòng chảy của cuộc đời và thời gian, dù họ có bị quên lãng đi trong lòng người, thì Huygô và ngàn năm sóng vỗ vẫn xót thương không cùng đối với họ.
Huygô là nhà thơ tiêu biểu nhất của chủ nghĩa lãng mạn Pháp. Lấy “Biển đêm”, lấy màn đêm để lột tả thiên nhiên bí ẩn, hãi hùng, để diễn tả nỗi đau âm thầm, để nhà thơ chìm sâu trong suy tưởng để trầm ngâm hoặc đối thoại với lòng mình về nỗi đau nhân thế và số phận đau thương của con người, về cái chết và nỗi đau trên cõi đời, về cái mất và cái còn trong dòng chảy thời gian.
Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong “Biển đêm” cho ta nhiều ám ảnh về nỗi thương đau. Phải chăng “Biển đêm” trong thơ Huygô cũng là “bể trầm luân” trong văn học cổ Việt Nam, trong thơ Nguyễn Du?
Xuyên qua sương mù gợn sóng
Mặt trăng nhô ra
Trăng buồn bã dội ánh sáng.
Lên cánh đồng u buồn
Trên đường mùa đông buồn tẻ
Xe tam mã vun vút lao đi,
Lục lạc đơn điệu
Mệt mỏi rung lên
Có gì vang lên thân thiết
Trong các khúc hát ngân nga của xà ích
Khi thì niềm vui rộn rã
Khi thì nỗi buồn tâm tình…
Không một ánh lửa mái lều
Rừng sâu và tuyết… Ngược chiều tôi
Chỉ có cột sọc chỉ đường
Chạy tới…
Chán ngán, buồn qua,… ngày mai, Nhina
Ngày mai, quay về với em yêu
Tôi sẽ lặng người bên lò sưởi,
Ngắm em không chán mắt.
Kim đồng hồ tích tắc
Quay hết vòng đều đều của nó,
Và xua đám người tẻ ngắt
Nửa đêm, không rẽ chia ta.
Buồn quá Nhina đường tôi đi tẻ ngắt,
Bác xà ích lặng lẽ thiu thiu,
Tiếng lục lạc đơn điệu,
Mặt trăng mờ sương
(Bản dịch nghĩa)
Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn dăng xa
Trên đường mùa đông vắng vẻ
Cỗ xe tam mã băng đi,
Nhạc ngựa đều đều buồn tẻ
Đều đều khắc khoải lòng quê.
Bài ca của người xà ích
Có gì phảng phất thân yêu
Như niềm vui mừng khôn xiết
Như nỗi buồn nặng đìu hiu…
Không một mái lều, ánh lửa,
Tuyết trắng và rừng bao la…
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta.
Ôi buồn đau, ôi cô lẻ…
Trở về với em ngày mai,
Nhina, bên lò lửa đỏ,
Ngắm em, ngắm mãi không thôi.
Kim đồng hồ kêu tích tắc
Xoay đi những vòng nhịp nhàng,
Và xua lũ người tẻ ngắt
Để ta bên nhau trong đêm.
Sầu lắm, Nhina, đường xa vắng,
Ngủ quên bác xà ích lặng im,
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm,
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng.
(Thúy Toàn dịch thơ)
Lời bình
“Con đường mùa đông” là nhà thơ trữ tình nổi tiếng của Puskin, đã được phổ nhạc, trở thành ca khúc lưu truyền rộng rãi. Puskin viết bài thơ này vào mùa đông năm 1826, khi ông còn bị quản thúc tại miền quê Mikhailôpxcôiê, vùng quê ngoại thuộc tây Bắc Nga. Âm điệu trữ tình chủ đạo của bài thơ là âm điệu buồn. Từ cảnh vật đến lòng người tỏa rộng và thấm sâu một nỗi buồn cô đơn.
Bốn khổ thơ đầu là một không gian nghệ thuật phủ mở một lớp sương mù bao la, mênh mông. Ánh trăng dội ánh sáng xuống cánh đồng khi mặt trăng nhô ra, xuyên qua màn sương mù gợn sóng. Cảnh vật vắng lặng, bao la và buồn man mác:
“Xuyên những làn sương gợn sóng
Mảnh trăng mờ ảo chiếu qua,
Buồn rải ánh vàng lai láng
Lên cánh đồng buồn dăng xa”.
Cái nhìn mênh mang về màn sương mờ, ánh trăng mờ và cánh đồng mờ xa. Hình như nhà thơ đăm chiêu cảm nhận cảnh vật trong sự mơ màng và xúc động. Nhìn xa rồi nhìn gần, nhân vật trữ tình lặng ngắm con đường mùa đông vắng vẻ. Chỉ có một cỗ xe tam mã băng đi về phía trước, “xe vun vút lao đi”. Tiếng lục lạc đơn điệu, mệt mỏi rung lên. Bao dặm đường xa đã vượt qua, người lữ hành không chỉ “buồn” mà còn “mệt mỏi”. Tâm hồn như dịu lại trong tiếng hát “ngân nga” của người xà ích. Khúc hát vang lên “thân thiết”, bài dân ca Nga lúc vui, lúc buồn như đang xoa dịu bao nỗi buồn trong lòng nhà thơ:
“Khi thì niềm vui rộn rã
Khi thì nỗi buồn tâm tình”…
Nhà thơ lấy âm thanh “vun vút” của chiếc xe lao đi, tiếng lục lạc, tiếng hát… để diễn tả cảnh vật và con đường mùa đông giữa đêm khuya vô cùng vắng vẻ, mênh mông và buồn. Nỗi lòng của người lữ khách cô đơn và buồn không kể xiết!
Cảnh vật càng trở nên cô quạnh. Chiếc xe tam mã, người lữ hành… như đang bị bao vây bởi “rừng sâu và tuyết”. Chỉ có, chỉ thấy những cột cây số “hữu tình mà vô cảm” đang ngược chiều, chạy tới, không gian đã trải rộng lại trải rộng thêm ra. Con đường mùa đông đã dài lại được kéo dài tưởng như vô tận. Bao phủ cảnh vật là màu trắng của tuyết, màu đen sẫm của rừng. Cảnh sắc thiên nhiên mùa đông nước Nga được miêu tả một cách tinh tế và chọn lọc nhằm tô đậm nỗi buồn cô đơn và lạnh lẽo của người lữ khách.
“Không một mái lều, ánh lửa,
Tuyết trắng và rừng bao la…
Chỉ những cột dài cây số
Bên đường sừng sững chào ta.”
Hai khổ thơ 5 và 6 nói lên tâm trạng nhớ thương của người lữ khách. Bài hát của người xà ích lúc vui lúc buồn cũng không thể xoa dịu bao nỗi buồn cô đơn đầy ắp trong lòng chàng trai đang ngồi trên cỗ xe tam mã lao vun vút trên con đường mùa đông giữa đêm khuya lạnh lẽo. Đó là hành trình đi cày của nhà thơ. Con đường mùa đông xa lắc đầy tuyết còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi thử thách gian khổ mà chàng trai quý tộc khao khát tự do đang nếm trải. Câu thơ: “Ôi đau buồn, ôi cô lẻ…” nói lên nỗi buồn cô đơn của người đi đày. Nhưng không tuyệt vọng, không bi luỵ. Nhà thơ thầm gọi tên người yêu. Hy vọng được trở về trong sum họp đầy hạnh phúc. Hai tiếng “ngày mai… ngày mai…” trong nguyên tác như một điệp âm của khúc tâm tình xôn xao. Hy vọng được trở về gặp lại người yêu. Trong tuyết lạnh mà nghĩ về lò lửa đỏ, mái ấm hạnh phúc gia đình, trong chia li mà nghĩ đến đoàn tụ, trong xa vắng mà hy vọng trở về gặp Nhina – người yêu thương – đó là “nỗi buồn trong sáng” như lời nhận xét của nhà phê bình văn học Biêlinxki.
Lòng người lữ hành dịu lại, man mác bâng khuâng:
“Ôi buồn đau, ôi cô lẻ…
Trở về với em ngày mai,
Nhina, bên lò lửa đỏ,
Ngắm em, ngắm mãi không thôi.”
Rồi chàng chìm trong mộng tưởng. “Ngắm em không chán mắt… Nửa đêm, không rẽ chia ta”. Phải chăng chiếc đồng hồ cổ và tiếng kêu “tích tắc” của nó như một kỷ vật nhắc nhở bao hoài niệm thương yêu?
Khổ thơ cuối bài diễn tả sâu hơn tâm trạng người lữ hành, từ mơ tưởng trở về thực tại, với con đường mùa đông lạnh lẽo, con đường đi đày với nỗi buồn xa vắng cô đơn. Lại thì thầm nhắc tên người yêu để cố xua đi một phần nào nỗi buồn cô đơn: “Buồn quá, Nhina, đường tôi đi tẻ ngắt…”. Bác xà ích đã thiu thiu ngủ trong lặng lẽ. Con đường mùa đông càng về khuya càng trở nên vắng vẻ, hiện lên trong ánh trăng và sương mở. Tiếng lục lạc đơn điệu vẫn rung lên như nhịp điệu của một bài ca buồn. Người lữ khách lặng lẽ ngắm mặt trăng nhòe đi trong màn sương. Lấy tiếng lục lạc và mặt trăng mờ sương là 2 nét vẽ tài hoa để tô đậm nỗi buồn cô đơn và sự vắng lặng của con đường mùa đông một đêm tuyết lạnh. Đây là khổ thơ dịch hay nhất của Thúy Toàn:
“Sầu lắm, Nhina, đường xa vắng,
Ngủ quên bác xà ích lặng im,
Nhạc ngựa đều đều buông xa thẳm,
Sương mờ che lấp ánh trăng nghiêng”
Trong bài thơ “Con đường mùa đông” này, từ “buồn” xuất hiện với tần số rất cao. Có trăng buồn và cánh đồng buồn. Có con đường mùa đông buồn tẻ và vắng lặng. Có tâm hồn chán ngán buồn… buồn quá, buồn cô đơn. Có tiếng lục lạc đơn điệu buồn. Sự xuất hiện của những cột cây số, rừng sâu và tuyết… càng làm cho nỗi buồn thêm phần cô đơn và lạnh lẽo.
Có điều, sự xuất hiện của bài dân ca Nga qua tiếng hát của xà ích và hình ảnh Nhina, cô gái Nga cùng với ngọn lửa lò sưởi là những điểm tựa nâng đỡ tâm hồn người lữ khách một đêm trăng mờ sương trên con đường mùa đông tuyết trắng. Chất trữ tình nồng nàn, chất thi vị đậm đà của bài thơ này được thể hiện một cách tài hoa qua cảnh sắc và âm thanh ấy.
Con đường mùa đông là con đường lưu đày, là con đường li biệt. Người lữ hành – trong tâm tưởng – vẫn mang theo hình ảnh người con gái Nga yêu thương, vẫn hy vọng ngày mai trở về, sum họp trong mái ấm hạnh phúc. Cảm hứng đoàn tụ yêu thương và cảm hứng tự do tạo nên sắc điệu thẩm mĩ trong áng thơ chứa chan thi vị này.
1. Thôi từ biệt, lá thư của tình yêu, từ biệt
Nàng đã quyết sao ta còn luyến tiếc
Sao bàn tay mãi chẳng chịu buông ra
Cho lửa thiêu hết thảy niềm vui sướng của ta!
2. Nhưng đã đủ. Hỡi tình thư bốc cháy!
Tâm hồn ta không còn nghe, chẳng thấy
Ngọn lửa tham đã nhận bức thư em…
Gượm chút nào! Một làn khói nhẹ êm
Quần quại, tan đi với lời ta cầu khẩn
Vết xi cháy sủi lên, tan hình chiếc nhẫn
Ôi trời đất, tất cả thế là xong!
Những trang giấy đen còn hãy quăn xong,
Tàn mỏng mảnh còn ghi trăng trắng chữ…
3. Lòng thắt lại. Tàn thân yêu quý hỡi!
Một niềm vui nghèo cực xót xa
Còn lại đời đời trên ngực với ta
Xuân Diệu dịch
Dịch nghĩa
Vĩnh biệt, lá thư của tình yêu, vĩnh biệt! Nàng đã ra lệnh…
Sao tôi chần chừ lâu thế, sao bàn tau lâu chẳng chịu
Giao cho ngọn lửa tất cả mọi niềm vui của tôi
Nhưng đủ rồi, giờ đã đến. Cháy đi bức thư của tình yêu!
Tôi đã sẵn sàng. Lòng tôi giờ chẳng còn lắng nghe gì nữa.
Ngọn lửa tham lam đang nhận lấy từng trang thư của em.
Khoan một phút thôi! Bùng lên… cháy rồi… làn khói nhẹ
Cuộn quanh tan đi cùng với lời cầu nguyện của tôi.
Vết xi gắn đã cháy sủi lên làm tiên tan mất
Dấu ấn chiếc nhẫn thủy chung… Ôi thiên mệnh!
Đã hoàn thành rồi! Những tờ giấy đen quăn cong lại
Trên tàn mỏng mảnh còn trăng trắng nét chữ thân thương.
Niềm nui nghèo nàn trong cuộc đời sầu bi của tôi
Hãy còn lại mãi mãi cùng tôi trên tấm ngực đau thương.
Phân tích
Puskin (1799-1836) là “Mặt trời thơ ca của nước Nga”. Ngoài những trường ca “Người tù KapKaz”, “Kị sĩ đồng”…, ông còn để lại 800 bài thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ tình rất nổi tiếng. Bài thơ “Lá thư bị đốt cháy” được Puskin sáng tác vào năm 1825, khi nhà thơ còn bị chính quyền chuyên chế Nga hoàng lưu đầy và bị quản thúc tại làng Mikhailốpxkôiê – quê ngoại hẻo lánh thuộc miền Tây Bắc Nga. Mặc dù bị cách li với thế giới rộng lớn bên ngoài, nhưng ông vẫn được sáng tác, được in những tác phẩm của mình và trao đổi thư từ với bạn bè và người thân.
“Lá thư bị đốt cháy” thể hiện nghệ thuật sử dụng chi tiết trong bút pháp trữ tình của Puskin để diễn tả cảm xúc và tâm trạng một cách nồng nàn nhất, say đắm nhất.
“Lá thư” là của người yêu phương xa gửi tới, trên có gắn xi, có in “dấu ấn chiếc nhẫn thủy chung”. Người yêu của nhà thơ là một người đẹp đã “ngự trị” trong tâm hồn nhà thơ, đầy “quyền uy”. Phái là người đẹp được nhà thơ “tôn thờ” nên “Nàng đã ra lệnh” cho người tình đọc xong phải đốt thư ngay. Đó là mệnh lệnh của trái thu, của tình yêu. Mặc dù vậy, chàng trai vẫn “chần chừ”, vẫn giữ lại trong tay “lâu chẳng chịu” trao cho ngọn lửa. Bức thư tình của người đẹp quý giá biết bao nhiêu. Trong hoàn cảnh bị quản thúc mất tự do, sống trong cô đơn, thì bức thư tình của người yêu nơi xa xôi gửi đến là vô giá, vì nó là “tất cả mọi niềm vui” của Puskin. Nhà thơ thốt lên hai lần tiếng “vĩnh biệt” điều đó nói lên nỗi đau vô hạn của mình, khi phải đốt cháy bức tình thư! Không hiểu vì sao, thi sĩ Xuân Diệu thay bằng “từ biệt” trong bản dịch thơ?
“Thôi từ biệt, lá thư của tình yêu, từ biệt
Nàng đã quyết sao ta còn luyến tiếc
Sao bàn tay mãi chẳng chịu buông ra
Cho lửa thiêu hết thảy niềm vui sướng của ta!”
Câu thơ trong nguyên tác viết dưới hình thức câu hỏi tu từ cực tả sâu sắc nỗi đau đớn, sự ngập ngừng luyến tiếc, phút chần chừ do dự của nhà thơ trước khi đốt cháy bức thư: “Sao tôi chần chừ lâu thế, sao bàn tay lâu chẳng chịu…”.
Cuốc đấu tranh nội tâm diễn ra: đốt bức thư tình, làm theo điều “nàng đã ra lệnh” hay giữ lại kỷ vật thiêng liêng chứa đựng trong đó, nét chữ, giọng tâm tình, lời yêu thương nồng nàn say đắm… Đốt bức tình thư trong hoàn cảnh ấy đối với Puskin là một hành động cao thượng, tự hy sinh vì tình yêu. Một chút ngập ngừng và người con trai phải làm theo “mệnh lệnh” người yêu, châm lửa đốt. Dòng thơ bị cắt ra thành nhiều câu diễn tả sự ngập ngừng, thảng thốt:
“Nhưng đủ rồi, giờ đã đến. Cháy đi bức thư của tình yêu!
Tôi đã sẵn sàng. Lòng tôi giờ chẳng còn lắng nghe gì nữa.”
Tâm hồn ta không còn nghe, chẳng thấy người con trai đau đớn, bàng hoàng nhìn ngọn lửa và bức thư bén lửa bốc cháy. Lời thơ run lên cùng nỗi lòng đau đớn, xót xa:
“Ngọn lửa tham đã nhận bức thư em…
Gượm chút nào! Một làn khói nhẹ êm”
Puskin đã sử dụng và sáng tạo một hình ảnh ẩn dụ – nhân hóa để làm nổi bật nỗi lòng xót xa, tiếc nuối khi nhình bức tình thư đang cháy: “Ngọn lửa tham lam đang nhận lấy từng trang thư của em”. Nhà thơ cầu khẩn van lơn: “Gượm chút nào!…”. Những câu thơ tiếp theo tả làn khói, ngọn lửa, vết xi gắn trên bức thư in dấu ấn chiếc nhẫn… Ba tiếng: “Ôi thiên mệnh!” như một tiếng kêu rên. Thiên mệnh là mệnh trời. Một tình yêu đẹp do trời sắp đặt. Bức thư bị đốt cháy cũng là do ý trời. Hình ảnh bức thư bị đốt cháy đối với người con trai mang màu sắc cao cả thiêng liêng:
“Quần quại, tan đi với lời ta cầu khẩn
Vết xi cháy sủi lên, tan hình chiếc nhẫn
Ôi trời đất, tất cả thế là xong!”
Xuân Diệu không dịch được các từ ngữ: “Thủy chung”, “thiên mệnh!”. Việc dịch thơ là một sáng tạo nghệ thuật chẳng chút dễ dàng.
Thương tiếc, đau đơn, nhìn đăm đăm vào mảnh tro tàn – như một vết thương lòng nhức nhối – người con trai đa tình vẫn còn tìm thấy “trăng trắng nét chữ thân thương” của người yêu. Những nét chữ ấy như linh hồn của lá thư tình bị đốt cháy. Đó là di bút của một thiên diễm tình. Cũng như hoa tàn, hoa rụng, nhưng hương hoa còn phảng phất trong không gian, lá thư bị đốt cháy rồi mà chàng trai vẫn còn lưu luyến nhìn những “nét chữ thân thương” in rõ trên mảnh tro tàn “trăng trắng”. Hình ảnh “Những tờ giấy đen quăn cong lại” tương phản với “trăng trắng nét chữ thân thương” khẳng định một tình yêu đẹp, trong sáng, thủy chung. Lá thư tuy bị đốt cháy nhưng tình yêu đôi lứa vẫn sống mãi trong trái tim nhà thơ. “Tờ giấy đen quăn cong lại” chỉ “thác là thể phách” còn tình yêu là mãi mãi “hồn còn tinh anh” như “trăng trắng nét chữ thân thương” ấy.
Ba dòng cuối của bài thơ thể hiện nỗi đau đơn, thương tiếc của người con trai khi nhìn thấy mảnh tro tàn. Phải yêu tha thiết lắm, trân trọng, quý trọng, luyến tiếc lá thư của người yêu – kỉ vật thiêng liêng – thì tự đáy lòng mới cất lên lời thơ nghẹn ngào, như thắt lòng lại như thế:
“Lòng thắt lại. Tàn thân yêu quý hỡi!
Một niềm vui nghèo cực xót xa
Còn lại đời đời trên ngực với ta”
Trong hoàn cảnh bị quản thúc cách biệt với thế giới bao la, phải xa cách bạn bè và người yêu thì một lá thư tình nhận được, đúng là “niềm vui nghèo nàn trong cuộc đời sầu bi” của mình. Lá thư bị đốt cháy rồi, nhà thơ lẳng lặng, xót xa, đau đớn, buồn tủi. Nét chứ, giọng điệu, tâm tình và hình ảnh người yêu “hãy còn lại mãi mãi… trên tấm ngực đau thương” của người. Lá thư tình bị đốt cháy rồi nhưng tình yêu thủy chung của giai nhân vẫn đằm thắm, thiết tha trong trái tim chàng trai đa tình.
Bài “Lá thư bị đốt cháy” thuộc thể loại bi ca trong sáng tác của Puskin. Bài thơ thể hiện một tình yêu sâu nặng, thiết tha, một tấm lòng quý trọng đến mức tôn thờ người yêu. Đốt bức thư tình trong cảnh ngộ nhà thơ là một hành động vô cùng cao thượng. Ngôn ngữ trong sáng. Câu cảm thán, câu hỏi tu từ liên kết nhau biểu đạt mãnh liệt cảm xúc đau đớn, xót xa khi nhìn lá thư tình bị đốt cháy. Hình ảnh lá thư bốc cháy trên “ngọn lửa tham” là một biểu tượng đầy ám ảnh.
Xuân Diệu viết: “Yêu là chết ở trong lòng một ít” – câu thơ ấy giúp ta cảm nhận bài thơ tình “Lá thư bị đốt cháy” của Puskin.
Ebook Dạy trẻ phát triển tư duy – Edward de Bono
Ebook Trò chơi với chữ cái và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em - Đặng Thu Quỳnh
Trọn bộ tài liệu Mầm Non
Ebook Khoa học kỳ thú dành cho trẻ em – Do, Gi-seong full 8 tập
Ebook rèn kỹ năng giải bài tập Vật Lý 9
Sách bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học 9
Sách Để học tốt Lịch sử lớp 9