Sổ tay Văn học 11
Xuất dương lưu biệt – Phan Bội Châu
Xuất dương lưu biệt
(Lưu biệt trước lúc ra nước ngoài)
Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài.
Muốn vượt biển đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
Tôn Quang Phiệt dịch
Tác giả
Phan Bội Châu (1867-1940) quê ở Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1900 đỗ Giải nguyên. Sáng lập ra Hội Duy Tân, 1905 bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du, tổ chức Việt Nam quang phục hội. Năm 1925 bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải, đưa về Hà Nội với cái án tử hình. Trước sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta, chúng đưa Cụ về giam lỏng ở Huế.
– Là chiến sĩ yêu nước vĩ đại, là nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước ta trong thế kỷ 20 – Thơ văn Phan Bội Châu là thơ văn yêu nước và tuyên truyền cổ động cách mạng sôi sục bầu nhiệt huyết.
– Tác phẩm chính: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử, Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử, Phan Bội Châu niên biểu, v.v…
Xuất xứ, chủ đề
– Viết năm 1905, chia tay đồng chí, bạn bè, trước lúc bí mật sang Nhật, dấy lên phong trào Đông Du.
– Bài thơ khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương, làm nên sự nghiệp lớn cứu nước cứu dân.
Phân tích
1. Hai câu đề, kẻ nam nhi phải “mong có điều lạ”, nghĩa là không thể sống tầm thường mà phải làm nên sự nghiệp lớn, lưu lại tiếng thơm muôn đời. Con người ấy sống chủ động, tích cực, có tinh thần làm chủ thiên nhiên, “há để càn khôn tự chuyển dời?” (1, 2)
2. Hai câu thực, tác giả tự ý thức về cái Tôi (ngã: tôi, tờ). Rất tự hào về vai trò của mình trong cuộc đời (một trăm năm) và trong xã hội, lịch sử (ngàn năm sau). Tác giả hỏi: Chẳng lẽ ngàn năm sau, lại không có ai (để lại tên tuổi) ư? – nhằm khẳng định một ý tưởng vĩ đại mà như người đồng hương của Phan Bội Châu trước đó nửa thế kỷ đã nhiều lần nói:
“Đã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông”
Quan niệm về công danh, về chí nam nhi của Phan Bội Châu mới mẻ, tiến bộ, hướng về Tổ quốc và nhân dân, như ông đã viết: “Xôi máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì “nghĩa vua – tôi” : Dân là dân nước, nước là nước dân” (3, 4)
3. Phần luận nêu bật một quan niệm sống đẹp của kẻ sĩ trước thời cuộc và lịch sử dân tộc. “Non sông đã chết”, một cách nói rất hay, cảm động về nỗi đau thương của đất nước ta, nhân dân ta đang bị thực dân Pháp thống trị. Trong “Hải ngoại huyết thư”, tác giả viết: “hồn nước bơ vơ”. Kẻ nam nhi, kẻ sĩ mong “làm điều lạ”… thì mới cảm thấy sống nô lệ là sống nhục. Kẻ sĩ lập công danh trước hết bằng con đường học hành và thi cử. Một ý thơ phủ định về cách học cũ kỹ, lạc hậu là đọc sách thánh hiền (đạo Nho)… cách học ấy rất lạc hậu, vô nghĩa, càng học càng ngu, càng u mê. Đây là 2 câu có tư tưởng sâu sắc, tiến bộ nhất, cho thấy Phan Bội Châu là một chí sĩ tiên phong:
“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”
4. Hai câu kết, hình tượng thơ kì vĩ nói lên một chí lớn mang tầm vũ trụ. Không phải gió nhẹ mà là “trường phong”. Không phải quanh quẩn chốn quan trường hoặc nơi trường thi chật hẹp, mà là “đi ra biển Đông” với một sức mạnh phi thường “cùng bay lên với ngàn lớp sóng bạc”. Đây là những câu thơ đẹp nhất của Phan Bội Châu biểu lộ một bầu nhiệt huyết:
“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi”.
Kết luận
1. Vẫn là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, bằng chữ Hán. Giọng thơ trang nghiêm, đĩnh đạc hào hùng, mạnh mẽ, lôi cuốn.
2. Thể hiện một chí lớn phi thường: không cam tâm làm nô lệ, quyết đi tìm đường cứu nước. Không phải là khẩu khí mà sự thật lịch sử đã xác nhận Phan Bội Châu đã sống và hành động như thơ ông đã viết ra.
3. “Xuất dương lưu biệt” mang âm điệu anh hùng ca, chứa chan tình yêu nước và quyết tâm lên đường cứu nước. Có thể lấy câu của Huỳnh Thúc Kháng trong bài “Văn tế Phan Sào Nam” để nói lên cảm nhận của chúng ta khi độc bài thơ “Xuất dương lưu biệt”:
“Miệng giọng cuốc vạch trời kêu giật một, giữa tầng không mù cuốn mây tan; Tay ngòi lông vỗ án múa chầu ba, đầy mặt giấy mưa tuôn sấm nổ”.
Ebook, Sách tham khảo - Tags: ngữ văn 11, sổ tay, văn học 11Ebook Dạy trẻ phát triển tư duy – Edward de Bono
Ebook Trò chơi với chữ cái và phát triển ngôn ngữ ở trẻ em - Đặng Thu Quỳnh
Trọn bộ tài liệu Mầm Non
Ebook Khoa học kỳ thú dành cho trẻ em – Do, Gi-seong full 8 tập
Ebook rèn kỹ năng giải bài tập Vật Lý 9
Sách bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học 9
Sách Để học tốt Lịch sử lớp 9