Người Việt nói tiếng Anh có thực sự tệ lắm không?

Người Việt nói tiếng Anh có thực sự tệ lắm không? Đây là câu hỏi mà nhiều bạn gửi về cho Trung tâm Gia sư Hà Nội mong được giải đáp.

Chúng tôi xin gửi tới các bạn lời tâm sự của một bạn đang là thầy giáo dạy tiếng Anh tại Hà Nội.

Dạo này thấy mọi người bàn tán xôn xao về việc video của một người Mỹ bóc phốt các giáo viên tiếng Anh người Việt dạy phát âm sai. Mình đã xem và chia sẻ video đó nhưng nay mới có thời gian “tâm hự” một chút về quan điểm cá nhân của mình.

Người Việt nói tiếng Anh có thực sự tệ lắm không?

Bản thân mình không đánh giá ai đúng ai sai nhưng rõ ràng sau khi xem xong phản ứng của người bản ngữ nghe người Việt nói tiếng Anh nhất là các giáo viên đứng đầu các trung tâm Anh ngữ, mình có cái nhìn rõ nét hơn về việc dạy và học tiếng Anh kể cả trong trường học lẫn các trung tâm.

Mình rút ra vài thứ như sau:

Thứ nhất: Người mới học tiếng Anh nên lấy phát âm làm nền tảng. Dù từ vựng khủng, ngữ pháp tốt đến đâu khi nói chỉ cần phát âm sai, cụ thể là thiếu âm cuối hoặc nhầm trọng âm, mây mây và vân vân, người khác sẽ khó để hiểu hoặc không thể hiểu bạn muốn nói gì.

Thứ hai: Các lỗi sai trích dẫn trong video đa số về trọng âm, âm cuối và cách phát âm có phần điệu đà quá mức khiến âm thanh bị bẻ cong và biến dạng. Các lỗi trên cực kỳ cơ bản mình không bàn đến. Lỗi đáng nói nhất ở đây là việc “cố tình nối âm” khiến người bản ngữ cũng phải đứng hình. Nối âm là hiện tượng tự nhiên xảy ra khi phát âm đầy đủ âm cuối và nói với tốc độ vừa phải. Việc cố tình nối âm sẽ làm âm thanh trở nên gượng gạo, nên biến dạng khó nghe là điều không thể tránh khỏi.

Thứ ba: Nói và phát âm sai là lỗi rất bình thường của những người học ngoại ngữ, dù kỹ năng có hoàn hảo đến mấy cũng phải chấp nhận sự thật đó. Nhưng dạy người khác mà dạy sai thì thực sự không thể chấp nhận được. Nhất là khi việc dạy đã được dàn dựng chứ không phải live stream hoặc trực tiếp đứng lớp.

Người Việt nói tiếng Anh có thực sự tệ lắm không?-1

Nói đi cũng phải nói lại, không thể lấy việc phát âm sai một số từ để đánh giá chuyên môn của một giáo viên tiếng Anh. Mình tin rằng đã là giám đốc trung tâm Anh ngữ thì chuyên môn của họ phải rất tốt cho dù mình chưa bao giờ thấy bất cứ một chứng chỉ hay bằng cấp quốc tế liên quan nào của họ. Mình cho rằng nếu họ đầu tư hơn một chút, cẩn thận hơn một chút trong việc dàn dựng video thì sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc như vậy. Một số bạn sau khi xem video cho rằng chất lượng dạy và học ở các trung tâm kia không tốt. Điều này chưa hẳn đã đúng.

Một câu hỏi đặt ra là sau những sự cố đó thì có nên học phát âm tiếng Anh với giáo viên người Việt hay không. Quan điểm của mình ngay từ đầu là không. Nếu bạn có đủ tài chính và có thể tiếp thu bài giảng của người bản xứ thì nên học với người Anh hoặc người Mỹ. Còn không thì bạn hết sự lựa chọn rồi.

Đùa thôi, vẫn còn một sự lựa chọn tối ưu mà người mới học ít ai nghĩ tới. Đó là tự học và học với các nguồn chuẩn trên internet. Riêng với phần phát âm chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh là khỏi phải đi đâu vẫn nghe được người bản xứ nói tiếng Anh và học phát âm một cách bình thường. Vai trò của giáo viên người Việt nếu có sẽ là chỉ ra các lỗi sai cho học viên và yêu cầu học viên nghe lại nguồn chuẩn rồi sửa đến khi phát âm đúng hoặc thị phạm những lỗi nhỏ và cơ bản cho học viên.

Mình thường ví von với các anh chị và các bạn học cùng mình về vai trò của phát âm đúng trong tiếng Anh. Nếu hình dung tiếng Anh như chiếc áo bạn mặc trên người thì ngữ pháp, từ vựng chính là chất liệu, phát âm, ngữ điệu là màu sắc và kiểu dáng của chiếc áo. Việc mặc một chiếc áo “không bền không đẹp” hoặc “bền nhưng không đẹp”, hoặc “vừa bền vừa hợp thời trang” hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của các bạn. Mình thì đơn giản thôi, cứ cái gì đẹp là mình thích ^^. Thử nghĩ xem cái đầu tiên người khác cảm nhận từ bạn là vốn từ vựng khủng, là ngữ pháp tốt hay một giọng nói hay?

Người Việt nói tiếng Anh có thực sự tệ lắm không?-2

Tóm lại, sự cố kể trên như một lời cảnh tỉnh đối với những bạn đã đang và sẽ học tiếng Anh. Mình đánh giá rất cao một người phát âm tiếng Anh chuẩn, hay chí ít cũng có sự mưu cầu phát âm chuẩn. Cho nên bên cạnh việc dành 4 tiếng một ngày ở phòng Gym mình đầu tư thêm 4 phút luyện phát âm để vừa có một bo đỳ cuốn hút vừa có một giọng nói oanh vàng nói đâu chết đó. Dù tiến bộ rất chậm ở cả bo đỳ lẫn phát âm tiếng Anh nhưng mình tin với sự kiên trì của bản thân trong vòng 40 năm nữa mình sẽ có cơ bụng 4 múi và hoàn toàn nói tiếng Anh như một người bản xứ.

(Theo fb: Tô Minh Nguyên)

Tin tức - Tags: , ,