Một số giải pháp bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ 5-6 tuổi

Năng khiếu của trẻ được hình thành và phát triển từ rất sớm, thậm chí từ lúc trẻ mới được sinh ra. Khoa học đã chứng minh năng khiếu của trẻ có quy luật giảm dần, có nghĩa là càng lớn năng khiếu của trẻ sẽ mai một dần, nếu không được phát hiện, bồi dưỡng sớm và đúng cách.

Do đó cần xác định rõ trẻ muốn gì, thích gì trước khi định hướng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết. Hầu hết các bé đều có khả năng đối với một vài lĩnh vực nhất định. Nhiều trẻ tỏ ra đặc biệt thích một lĩnh vực nào đó nhưng bố mẹ và thầy cô thiếu quan tâm mà ép buộc trẻ học những thức trẻ không thích vô hình chung đã bỏ phí năng khiếu của trẻ. Với những lĩnh vực trẻ có sự vượt trội cần đầu tư thời gian và vun đắp đam mê cho trẻ ngay từ nhỏ để đem lại kết quả tốt sau này. Vì vậy mà “Một số giải pháp bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ 5 – 6 tuổi” dưới đây rất cần thiết.

Mỗi đứa trẻ với cá tính, sở thích không giống nhau do đó để phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu đúng cánh, phù hợp với từng trẻ thì giáo viên và phụ huynh cần có kiến thức mới có thể làm được thông qua việc quan sát trẻ. Có thể thấy năng khiếu của con người rất đa dạng và năng lực của con người không chỉ bó hẹp ở một loại năng khiếu nào đó, mà còn là sự kết hợp của nhiều loại năng khiếu khác nhau. Giáo viên biết được trẻ sở hữu loại năng khiếu nào thì sẽ biết cách làm thế nào để phát huy tối đa cho trẻ từ đó tạo ra sự tụ tin ở trẻ, đó chính là nền tảng tốt ở trường và thành công hơn trong cuộc sống sau này.

Từ đó tôi chọn các giải pháp sau để nghiên cứu và thực hiện.

1/ Tìm hiểu tài liệu để biết được có những loại năng khiếu nào

Mỗi đứa trẻ được sinh ra đã tiềm ẩn một năng khiếu, phát hiện sớm và bồi dưỡng những khả năng này sẽ tạo tiền đề cho một ngành nghề phù hợp trong tương lai của bé.

Qua tìm hiểu tài liệu tôi nhận thấy có những năng khiếu sau:

Năng khiếu âm nhạc: Khi trẻ nghe một bài hát trẻ sẽ hát theo rất đúng giai điệu tai trẻ rất nhạy, có thể nhận biết những âm thanh, nốt nhạc mà trẻ khác dễ bỏ qua. Lớn lên những đứa trẻ này có thể sẽ trở thành nhạc sĩ, ca sĩ xuất sắc.

Năng khiếu vận động: Trẻ có năng khiếu trong lĩnh vực này thường biết cách phối hợp cơ bắp tốt. Trẻ xử lý kiến thức, thông tin qua cảm nhận của cơ thể. Đây chính là những vũ công duyên dáng những vận động viên chuyên nghiệp hoặc thợ thủ công khéo tay tiềm năng của tương lai.

Năng khiếu về toán học: Nếu trẻ ưa thích các con số, mô hình, các thí nghiệm. Những đứa trẻ này khi trưởng thành sẽ thích hợp làm thương gia, kỹ sư, hoặc kế toán sắc sảo.

Năng khiếu về hình họa không gian: Trẻ luôn bị trò chơi ghép, xếp hình hoặc thú vẽ tranh lôi cuốn. Đây là dấu hiệu cho biết tương lai của trẻ được định dạng trong lĩnh vực kiến trúc, hội họa hoặc thiết kế thời trang.

Năng khiếu về ngôn ngữ: Đối với trẻ có năng khiếu này, các từ ngữ mang rất nhiều ý nghĩa. Niềm say mê được viết, được đọc sách và kể truyện hiện rõ trên nét mặt. Tài năng về từ ngữ là dấu hiệu cho thấy sau này trẻ có thể trở thành luật sư, nhà soạn kịch, nhà thơ hay nhà hùng biện.

Năng khiếu về quan hệ con người: Trẻ có năng khiếu này rất dễ tiếp xúc giao lưu với người khác, có khiếu lãnh đọa bẩm sinh, trẻ giao tiếp tốt và biết cách thấu hiểu người khác nhờ vậy trẻ có thể trở thành những nhà quản lý, thầy giáo, bác sĩ giỏi hoặc nhà lãnh đạo trong tương lai.

Năng khiếu thông hiểu nội tâm: Những trẻ có năng khiếu này thường kín đáo nhưng tích cực, lớn lên có thể là chuyên gia tâm lý học, nhà tư vấn hoặc bác sĩ.

Năng khiếu về tự nhiên: Những trẻ nhạy bén với thay đổi thời tiết hoặc phân biệt thành thạo những trạng thái, sắc thái khác nhau của số lượng lớn những vật thể khác nhau được xem là có năng khiếu về tự nhiên. Trong tương lai, những đứa trẻ này sẽ trở thành những nhà nghiên cứu khoa học xã hội tự nhiên, nghệ sĩ, hoặc thi sĩ.

2/ Tìm hiểu tài liệu để biết được những biểu hiện chứng tỏ trẻ có khả năng đặc biệt hay năng khiếu bẩm sinh

Những biểu hiện chứng tỏ trẻ có khả năng đặc biệt hay năng khiếu bẩm sinh như:

Trẻ hay tò mò, thường xuyên hỏi cha mẹ, thầy cô, bạn bè những câu hỏi khó trả lời.

Biết đi, biết nói khá sớm.

Sử dụng được đôi tay, đôi khi là đôi chân để thực hiện các động tác khó như gắp đồ vật nhỏ bằng các ngón chân.

Sớm say mê với bẳng chữ cái.

Có sự hiểu biết về số học và các khái niệm thời gian khá thành thạo.

Có khả năng giải được các bài toán tương đối khó so với tuổi của trẻ.

Có khả năng cảm thụ nhạy bén và hưởng ứng mạnh mẽ với âm nhạc. Tiếp thu nhanh chóng các giai điệu, bài hát và thể hiện lại rất chính xác.

Có khả năng ứng phó và biết cách lợi dụng hoàn cảnh bất lợi để vươn lên.

Lộ vẻ thiếu kiên nhẫn trước những giới hạn vì cơ thể chưa đủ phát triển hoặc không thể đáp ứng.

Có thể lựa chọn, sắp xếp, tổ chức, phân loại mọi vật và sau đó tự đặt tên cho chúng theo suy nghĩ riêng của trẻ.

Hiểu được khái niệm nguyên nhân và kết quả, đáp ứng tốt nhanh chóng với các hướng dẫn và thực hiện nhiều nhiệm vụ được giao hơn so với những bé khác.

Sở hữu vốn từ vựng phong phú, có thể nói chuyện một cách mạch lạc khi còn nhỏ tuổi và biết cách diễn đạt bản thân bằng cách dùng các từ khó và các mẫu câu phức hợp.

Có khả năng tập trung vào một việc gì đó với thời gian khá dài.

Có khả năng thuật lại một câu chuyện hay một sự kiện mạch lạc, rõ ràng và thậm chí sáng tạo phần kết ly kỳ nhưng vẫn hợp lý.

Ghi nhớ chi tiết những sự kiện phức tạp để rồi có thể mô tả lại một cách sinh động sau một khoảng thời gian dài.

3/ Yêu cầu đối với người giáo viên để có thể làm tốt công tác chăm sóc bồi dưỡng nhân tài cho đất nước

Để có thể phát hiện và bồi dưỡng tốt cho các cháu có năng khiếu được phát triển tốt nhất đó là một điều vô cùng khó khăn. Giáo viên mầm non được coi là người thầy đầu tiên cùng với cha mẹ trẻ xây dựng nền móng ban đầu của nhân cách con người.

Để hoàn thành sứ mệnh của người xây dựng nền móng ban đầu giúp trẻ hình thành, phát triển tốt những gì được coi là tố chất, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo viên cần có chuyên môn vững, phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đạt trình độ chuẩn theo quy định của ngành, đủ sức khỏe để đảm đương công việc chăm sóc giáo dục trẻ, luôn cẩn thận, chu đáo, tỉ mỉ, biết tự kiềm chế trong công việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Giáo viên phải có lập trường tư tưởng vững vàng, yêu nghề và thương yêu trẻ, tôn trọng đối xử công bằng với trẻ, luôn có chí hướng phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp của bản thân.

Lòng yêu nghề mến trẻ là điều kiện cơ bản để người giáo viên đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ, có tình thương trẻ cô giáo sẽ nhạy cảm sẵn sàng và thực sự say mê công việc. Tính nhạy cảm sẽ dễ dàng giúp cô dễ dàng phát hiện những biến đồi dù là rất nhỏ về thể chất và tâm lý của trẻ khi trẻ đến lớp.

Có thể nói được cô giáo thương yêu là niềm hạnh phúc lớn nhất của đứa trẻ khi đến lớp, từ đó trẻ sẽ phát huy được những khả năng vốn có của mình, phụ huynh sẽ nhận thấy được tầm quan trong khi đưa con đến lớp.

“Chưa là mẹ nhưng chứa chan tình mẹ

Bởi yêu nghề nên quý lớp măng non.

Luôn tích cực sáng tạo tự làm đồ dùng đồ chơi tạo môi trường học tập thân thiên gây hứng thú cho trẻ khi đến trường. Học hỏi tìm tòi những giải pháp giúp trẻ phát triển tốt nhất.

Cần lấy trẻ là trung tâm, trang bị cho trẻ có năng khiếu các kiến thức, kỹ năng như trẻ bình thường và chú ý đến những đặc trưng cơ bản đó là: Tính sáng tạo và tự giác, tính độc lập tự chủ, khả năng, ý chí, nghị lực của trẻ. Khi truyền thụ kiến thức phải hiểu nhu cầu của trẻ. Chú ý đến đặc điểm tâm sinh lý, tư duy của trẻ để bồi dưỡng cho trẻ năng lực, tư duy độc lập, sáng tạo, khả năng tự giải quyết vấn đề.

4/ Biên soạn tài liệu, giáo án giúp trẻ có năng khiếu được phát triển tốt hơn

* Để phát triển năng lực toán:

Trong lớp tôi có cháu Hoàng Thi Quỳnh Như qua quá trình chủ nhiệm lớp tôi thấy cháu có trí nhớ rất tốt về các con số. Một lần trong giờ hoạt động ngoài trời tôi có hỏi cả lớp “Cô đố các con hôm nay là thứ mấy” cháu nhanh nhẹn trả lời. Và tôi tiếp tục đặt câu hỏi với cháu “Vậy ngày mai sẽ là thứ mấy và ngày bao nhiêu” và tôi rất bất ngờ vì cháu đã trả lời ngay không mất nhiều thời gian. Từ đó tôi đã xây dựng bộ câu hỏi, đề bài tương ứng với khả năng của các cháu.

VD: Với đề tài chia nhóm có số lượng 8 thành 2 phần

Đối với trẻ bình thường cô cho trẻ chia làm 2 nhóm theo yêu cầu hoặc theo ý thích. Đối với trẻ có khả năng tốt về toán cô có thể yêu cầu cháu chia thành nhiều phần khác nhau và nêu kết quả chia.

Hay tư duy về cấu trúc số: Trẻ bình thường đếm tiến, lùi yêu cầu, trẻ có năng khiếu về toán nói số liền trước, số liền sau của số.

* Phát triển năng khiếu âm nhạc, vận động.

Lớp tôi có cháu Lâm Lương Thị Nga cháu cảm thụ âm nhạc rất tốt, mỗi lần tham gia văn nghệ thì cháu là người nhớ chính xác động tác mà cô dạy và múa rất đúng nhịp, tư thế múa cũng rất đẹp. Nhận thấy được cháu rất có năng khiếu về âm nhạc và vận động tôi cho cháu đọc thơ ca theo chương trình mầm non hàng ngày, Cho trẻ tập thể dục với âm nhạc, khuyến khích trẻ thực hiện những động tác và điệu nhảy của riêng mình. Giờ thể dục tôi phân tích động tác, làm mẫu và yêu cầu cháu thực hiện lại. Hướng dẫn trẻ tiếp xúc với nhiều loại hình âm nhạc, sử dụng nhịp điệu khiêu vũ quy ước, những dụng cụ âm nhạc cổ điển, âm nhạc dân tộc…nhún nhảy, rung, lắc theo nhịp điệu âm nhạc, rèn cho trẻ cách làm chủ sân khấu. Trong quá trình rèn luyện cho cháu tôi luôn tạo sự thoải mái bằng cách luôn khen ngợi cháu, không chê mặc dù có những lúc cháu làm chưa tốt.

* Năng khiếu về hình họa không gian:

Sau mỗi tiết tạo hình tôi thấy có một cháu tạo ra sản phẩm rất đẹp, không những thế những sản phẩm của cháu đa phần đều rất sáng tạo có những chi tiết không có trong tranh mẫu của cô mà sự sáng tạo của cháu cũng rất hợp lý đó là cháu Vi Văn việt. Từ đó tôi chú ý hơn đến cháu ở lĩnh vực này.

Tôi giúp cháu biết cảm nhận về thế giới màu sắc, hình dạng, qua tranh ảnh, video

VD: Như màu sắc của con vật, hoa quả… hình dáng khác nhau của chúng.

Sau đó tôi cung cấp các phương tiện màu sắc, bút giấy, đồ thủ công…để trẻ thực hiện. Trong quá trình thực hiện tôi gợi ý để trẻ có thể thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

* Năng khiếu về quan hệ con người.

Trong mỗi giờ đón trẻ hay giờ cột tóc cho các cháu lúc ngủ dạy tôi thấy rằng cháu Lâm Lương Thị Nga rất hay trò chuyện với cô, cháu hay hỏi cô vì sao cô lại thế này, vì sao cô lại thế kia. Cháu cũng rất hay kể chuyện ở nhà mẹ như thế nào, bố như thế nào, ngoài ra còn kể cô nào thương con cô nào không thương. Là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi nắm được cháu là một cô bé rất dễ thương, ngoan hiền, học giỏi đều các môn và được rất nhiều người quý mến, cháu cũng rất biết quan tâm đến mọi người. Chính vì thế tôi thường xuyên trò chuyện với các cháu, luôn quan tâm dành thời gian để trả lời các câu hỏi của các cháu. Động viên các cháu tích cực quan tâm đến bạn bè. Mỗi khi trong lớp có trẻ mắc lỗi tôi thường gọi cháu Nga và nói cháu ngồi nói chuyện tâm sự với bạn và khuyên bạn để bạn tốt hơn. Tôi hay tập cho cháu cách điều khiển các hoạt động trong lớp như cho cháu làm người quản trò khi tham gia chơi hoạt động ngoài trời. Hay cho cháu điều khiển lớp thảo luận trong tiết học.

5/ Tạo môi trường vui chơi học tập

* Môi trường học tập:

Về mặt sư phạm: Để trẻ luôn thoải mái, hứng thú và tích cựa học tập phát huy khả năng của trẻ, Cô cần tổ chức các hoạt động một cách nhẹ nhàng, cần có sự linh hoạt sáng tạo.

Luôn chuẩn bị đầy đủ về nội dung cũng như các hình thức lên lớp, đồ dùng dạy học phong phú đẹp mắt, khi tổ chức dùng nhiều hình thức để lôi cuốn trẻ. Thường xuyên thay đổi cách truyền đạt cho phù hợp với khả năng của mỗi trẻ.

* Về mặt vệ sinh: Giờ học phải tiến hành trong phòng học sạch sẽ, thoáng mát, bàn ghế phù hợp với trẻ, đủ ánh sáng…

* Môi trường vui chơi:

Trẻ chơi mà học, học mà chơi. Hoạt động vui chơi góp phần củng cố, chính xác hóa, cụ thể hóa, đồng thời mở rộng làm phong phú vốn hiểu biết của trẻ về cuộc sống để thúc đẩy trẻ vươn tới chiếm lĩnh tri thức mới. Chính vì thế ngoài những đồ dùng sẵn có tôi tận dụng những nguyên liệu ở dạng phế liệu sẵn có của địa phương.

VD: Sơ mướp để làm các con vật…chai nhựa làm phương tiện giao thống, que đè lưỡi là bàn ghế…

Đồ dùng đồ chới có màu sắc kích thức phù hợp, an toàn không độc hại, và có thể sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau. Qua đó luôn hấp dẫn kích thích tính tò mò của trẻ.

Ngoài ra tôi thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học điều này quả đã mang lại cho trẻ sức hấp dẫn mới lạ, làm trẻ hứng thú nhiều, tiếp thu được bài học tốt nhanh. Trẻ tích cực hoạt động cũng như kích thích được tư duy trẻ phát triển.

6/ Thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên và gia đình trẻ

Trong quá trình bồi dưỡng cho trẻ có năng khiếu về các lĩnh vực việc gặp gỡ,  trao đổi với phụ huynh là việc làm hết sức cần thiết. Vì nếu không có sự liên kết với gia đình thì giáo viên sẽ không thể biết được hoàn cảnh sống, các tính,  những đặc điểm của trẻ từ khi sinh ra đến khi trẻ bắt đầu đi học như thế nào,  phụ huynh cũng sẽ không nhận thấy được tầm quan trọng của việc phát hiện và bồi dưỡng những năng khiếu vốn có của trẻ.

Chính vì vậy tôi luôn giữ vai trò chủ động, tích cực động viên phụ huynh luôn nhiệt tình với trách nhiệm và khả năng của gia đình trong việc phối hợp cùng cô chăm sóc giáo dục để cháu phát triển một cách tốt nhất. Tôi luôn cố gắng dùng các biện pháp để phụ huynh nắm được mục tiêu, nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ, thông tin kịp thời về tình hình trẻ ở các mặt sức khỏe, cá tính…Bản thân luôn gần gũi lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của gia đình đối với cô.

Qua đó tôi lựa chọn những hình thức sau để thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh:

Trao đổi trực tiếp hàng ngày thông qua việc đón trả trẻ.

Xin ý kiến nhà trường mời phụ huynh tham quan hoặc tham gia trực tiếp vào một số hoạt động của lớp. Lập sổ bé ngoan.

7/ Bồi dưỡng phát triển các năng khiếu cho trẻ qua các hoạt động ngoại khóa cho cháu

Ngoài hoạt động chính ở trên lớp bản thân luôn chủ động làm tốt công tác tham mưu cho BGH về tổ chức các hoạt động như: “Hội thi bé khỏe bé ngoan” “Bé với đồng dao ca dao” “Cô duyên dáng, bé dễ thương” “Bé với an toàn giao thông” “Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ”

Đây là điều kiện để phát hiện năng khiếu của từng cháu và tạo sự tự tị của các cháu ở những nơi đông người, trẻ có tinh thần đồng đội…Với những hoạt động ngoại khóa này đã được đông đảo các bậc phụ huynh ủng hộ nhiệt tình.

8/ Thường xuyên trao đổi và học hỏi đồng nghiệp

Để mở rộng vốn kiến thức của mình tôi thường trao đổi và học hỏi đồng nghiệp trong những giờ nghỉ, để trau dồi kiến thức và vận dụng vào thực tế khi chăm sóc giáo dục các cháu.

Mỗi đứa trẻ bình thường sinh ra trong một gia đình bình thường đều có sẵn mầm mống tài năng. Vì mỗi con người hình thành và phát triển đều chịu tác động qua lại của 3 yếu tố đó là: Duy truyền, môi trường, và tự thân. Phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu có tích chất quyết định cho tương lai của mỗi đứa trẻ.

Để có thể tìm thấy những khả năng, sở trường riêng của mỗi đứa trẻ thì người giáo viên cần phải có tâm huyết, có kiến thức thì mới có thể làm được. Để có kiến thức bản thân phải không ngừng học hỏi, tham khảo tài liệu và kinh nghiệm thực tế.

* Đối với BGH trường

Đệ Nghi BGH tham mưu với các cấp có thẩm quyền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhất là máy tính, máy chiếu.

Tổ chức các cuộc thi cấp trường cho trẻ : “Hội thi bé khỏe bé ngoan” “Bé với đồng dao ca dao” “Cô duyên dáng, bé dễ thương” “Bé với an toàn giao thông” “Gia đình và dinh dưỡng trẻ thơ”

* Đối với phụ huynh:

Luôn quan tâm đến con em mình, thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về con em mình, khi trẻ ở trên lớp cũng như ở nhà luôn phối hợp với giáo viên về cách nuôi dạy trẻ và cách phát huy khả năng của trẻ.

Tin tức - Tags: , ,