Một số biện pháp giúp dạy tốt môn Tập đọc lớp 3

Chuyên đề Một số biện pháp giúp dạy tốt môn Tập đọc lớp 3 là tài liệu mà Gia sư Hà Nội gửi tới các thầy cô, phụ huynh học sinh trong việc dạy học.

Nội dung chuyên đề Tập đọc lớp 3 gồm 3 nội dung chính dưới đây.

PHẦN I: PHẦN MỞ ĐẦU

Tiếng việt là môn học có tầm quan trọng đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông nói chung, bậc tiểu học nói riêng. Đây là môn học công cụ với nhiệm vụ cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về tiếng mẹ đẻ, rèn cho các em kĩ năng sử dụng tiếng Việt trong nghe, nói, đọc, viết. Trong đó, phân môn Tập đọc là một phân môn quan trọng góp phần hình thành kĩ năng đọc cho học sinh- một trong bốn kĩ năng cơ bản mà học sinh tiểu học cần đạt tới.

Khi học sinh đọc tốt thì các em mới có thể chiếm lĩnh được kiến thức môn Tiếng việt nói riêng, các môn học  cấp tiểu học nói chung một cách chắc chắn, làm cơ sở để các em học cấp học kế tiếp.

Bên cạnh đó, phân môn Tập đọc còn giúp cho học sinh không chỉ đọc đúng mà còn hiểu đúng nội dung từng bài đọc, thích đọc. Từ đó học sinh trau dồi được vốn ngôn ngữ trong giao tiếp và học tập. Học sinh đọc tốt sẽ giúp các em hiểu biết rộng hơn, sâu hơn, suy nghĩ một cách lôgic hơn, các em dễ dàng tiếp thu được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, hướng tới các em lòng yêu cái thiện, góp phần hình thành nhân cách học sinh.

Như vậy, trọng tâm của phân môn Tập đọc cấp tiểu học là vấn đề rèn đọc. Việc rèn đọc cho học sinh có vị trí vô cùng quan trọng, là vấn đề cấp thiết đòi hỏi mỗi giáo viên cần xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ và vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo việc rèn đọc trong quy trình một tiết tập đọc nhằm mang lại hiệu quả cao.

Thế nhưng trong thời gian qua, việc vận dụng rèn đọc trong quy trình một tiết tập đọc nhất là đối với lớp 3 (giai đoạn học sinh vừa đọc đúng vừa là cơ sở để bước sang làm quen với đọc diễn cảm ở các lớp tiếp theo) thì giáo viên còn nhiều lúng túng nên giờ dạy  đạt hiệu quả chưa cao.

Xuất phát từ những lí do trên, cụm chuyên môn chúng tôi nghiên cứu thực hiện chuyên đề “Một số biện pháp giúp dạy tốt phân môn Tập đọc lớp 3” để giúp giáo viên dạy phân môn  Tập đọc lớp 3 đạt hiệu quả cao hơn.

PHẦN II: PHẦN NỘI DUNG

I. THỰC TRẠNG :

1. Thuận lợi :

– Giáo viên:

+ Được sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của Phòng Giáo dục để giáo viên được bồi dưỡng  trình độ chuyên môn nghiệp vụ,  đều đạt chuẩn và trên chuẩn , được dự học tập, bồi dưỡng chuyên môn phục vụ cho việc giảng dạy .

+ Thực hiện giảng dạy phân môn Tập đọc theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành .

+ Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tương đối đầy đủ để phục vụ việc dạy- học

+ Giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, luôn quan tâm đến học sinh.

+ Sự nhận thức trong phụ huynh có thay đổi nên bước đầu đã có sự  quan tâm và đầu tư cho việc học của con em.

– Học sinh:

+ Mỗi học sinh đều có sách giáo khoa nên có điều kiện luyện đọc ở nhà.

+ Học phân môn Tập đọc lớp 3 trên cơ sở kế thừa phân môn Tập đọc lớp 2 nên học sinh quen cách học.

2. Khó khăn :

-Giáo viên:

+Còn nhiều lúng túng trong việc dạy học theo đối tượng học sinh nhằm đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng.

+Thực hiện quy trình tiết tập đọc còn nhiều cứng nhắc, chưa linh hoạt.

-Học sinh:

+Trình độ của học sinh không đồng đều, học sinh chưa tự giác tự học ở nhà, đọc bài còn chậm , nhiều em mức độ chú ý trong giờ học chưa cao.

+ Một số lớp sĩ số học sinh đông, nên học sinh ít có cơ hội được rèn đọc so với lớpcó sĩ số ít học sinh.

II. NỘI DUNG , PHƯƠNG PHÁP VÀ BIỆN PHÁP :

1. Nội dung chương trình phân môn Tập đọc lớp 3:

Chương trình Tập đọc lớp 3 được gắn với 15 chủ điểm: Măng non; Mái ấm; Tới trường; Cộng đồng; Quê hương; Bắc trung nam; Anh em một nhà; Thành thị và nông thôn; bảo vệ Tổ quốc; Sáng tạo; Nghệ thuật; Lễ hội; Thể thao; Ngôi nhà chung; Bầu trời và mặt đất. Học trong 35 tuần, hai tuần học một chủ điểm (4 bài tập đọc), riêng chủ điểm “Ngôi nhà chung ” học trong 3 tuần (6 bài tập đọc).

* Chuẩn cần đạt:

+ Đọc rành mạch, trôi chảy, biết ngắt nghỉ hơi hợp lí và bước đầu đọc phân biệt lời người dẫn chuyện với lời nhân vật.

+ Hiểu nội dung bài đọc.

* Các kĩ năng sống cần giáo dục học sinh qua các bài Tập đọc lớp 3:

+ Kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng lắng nghe tích cực, kĩ năng thể hiện sự cảm thông, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng kiển soát cảm xúc, kĩ năng ứng phó với căng thẳng, kĩ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kĩ năng thương lượng, kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, kĩ năng hợp tác, kĩ năng tư duy phê phán, kĩ năng tư duy sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng đảm nhận trách nhiệm, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng tìm kiếm và xử lí thông tin…

2. Phương pháp :

Với nội dung dạy học như vậy, căn cứ theo yêu cầu cần đạt, giáo viên phải lựa chọn phương pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học sinh nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển năng lực cá nhân và đạt được hiệu quả thiết thực sau mỗi tiết dạy . Để phát huy những ưu điểm trong tiết Tập đọc, giáo viên cần lựa chọn các phương pháp dạy học đặc trưng như :

2.1. Phương pháp trực quan :

Giáo viên hướng dẫn học sinh quan sát các tranh minh hoạ trong các bài Tập đọc giúp các em hiểu thêm một số chi tiết, tình huống và nhân vật trong bài .

2.2. Phương pháp cụ thể hoá sản phẩm của học sinh :

Giáo viên chú ý đến từng học sinh, tôn trọng những phát hiện và ý kiến riêng của từng em, thận trọng khi đánh giá học sinh, tạo điều kiện để học sinh tự phát hiện và sửa chữa lỗi diễn đạt .

2.3. Phương pháp thực hành giao tiếp :

Giáo viên tổ chức các hoạt động trong giờ học sao cho mỗi học sinh trong lớp đều được đọc ( đọc thành tiếng, đọc thầm, đọc đồng thanh, đọc cá nhân, đọc theo nhóm …), được trao đổi ý kiến riêng của mình với thầy cô, bạn bè .

2.4. Phương pháp cùng tham gia :

Phương pháp này giáo viên tổ chức cho học sinh cùng cộng tác thực hiện các nhiệm vụ học tập, cùng tham gia các trò chơi luyện đọc nhằm hình thành kiến thức, rèn luyện kĩ năng và phát triển khả năng làm việc với cộng đồng. Các hình thức phổ biến để thực hiện phương pháp cùng tham gia là luyện đọc và trao đổi theo nhóm , đóng vai , thi đua …

* Ngoài các phương pháp dạy học đặc trưng nêu trên thì phân môn Tập đọc có thể sử dụng các kĩ thuật dạy học như: kĩ thuật chia nhóm, kĩ thuật giao nhiệm vụ, kĩ thuật đặt câu hỏi, kĩ thuật động não, kĩ thuật “ đọc hợp tác’’…

3. Biện pháp:

3.1. Giáo viên cần nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn Tiếng việt. Trong đó, Tập đọc là một phân môn “then chốt” như thế nào? Chuẩn kiến thức , kĩ năng cần đạt sau một tiết Tập đọc là những gì? Vận dụng phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học nào phù hợp với từng đối tượng học sinh để bài học đó đạt kết quả cao? Bài tập đọc cần giáo dục những kĩ năng sống gì cho học sinh? Đó là những câu hỏi mà người giáo viên cần trả lời trước khi soạn kế hoạch bài học cho một tiết Tập đọc.

3.2. Giáo viên cần thực hiện quy trình tiết Tập đọc một cách linh hoạt, sáng tạo. Quy trình cơ bản của tiết Tập đọc lớp 3:

1) Kiểm tra bài cũ: Cho học sinh đọc bài tập đọc, đọc thuộc lòng bài thơ hoặc kể lại nội dung câu chuyện đã học ở tiết trước; giáo viên có thể hỏi thêm nội dung đoạn, bài học sinh vừa đọc để củng cố kĩ năng đọc- hiểu.

2) Bài mới:

a) Giới thiệu bài

b) Luyện đọc:

– Giáo viên đọc mẫu toàn bài.

– Giáo viên hướng dẫn học sinh luyện đọc kết hợp giải nghĩa từ

+ Hướng dẫn học sinh đọc từng câu:

Giáo viên cho học sinh đọc nối tiếp câu lượt 1, sửa lỗi phát âm của học sinh, cho học sinh luyện đọc một số từ  khó, dễ lẫn do phát âm địa phương).

Giáo viên cho học sinh đọc nối tiếp câu lượt 2, tiếp tục sửa sai cho học sinh (nếu có)

+ Hướng dẫn học sinh đọc từng đoạn:

GV hoặc học sinh chia đoạn.

Cho học sinh đọc nối tiếp đoạn lần 1.

Hướng dẫn học sinh đọc từng đoạn: hướng dẫn học sinh đọc câu khó (nếu có), kết hợp giải nghĩa một số từ.

Cho học sinh đọc nối tiếp đoạn lần 2.

+ Học sinh luyện đọc từng đoạn trong nhóm.

+ Kiểm tra việc đọc trong nhóm của một số nhóm.

+ Học sinh đọc đồng thanh ( bài dạng văn xuôi)

c) Hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài.

d) Luyện đọc lại : lưu ý giọng đọc đoạn, bài, những câu cần chú ý; tổ chức cho học sinh thi đọc đoạn học sinh thích hoặc cả bài; đọc diễn cảm chưa phải là yêu cầu bắt buộc nên tùy thuộc trình độ học sinh; hướng dẫn học thuộc lòng nếu sách giáo khoa yêu cầu.

3) Củng cố, dặn dò, nhận xét: có thể lưu ý về nội dung bài, về cách đọc và cách học bài ở nhà của học sinh.

3.3. Giáo viên cần trau dồi kĩ năng đọc mẫu :

Bài đọc mẫu của giáo viên chính là kĩ năng đọc mà học sinh cần đạt được. Do đó, yêu cầu đọc mẫu của giáo viên phải đảm bảo chất lượng đọc chuẩn, đọc đúng, rõ ràng, rành mạch, trôi chảy, đọc đủ lớn, nhanh vừa phải và diễn cảm. Muốn vậy thì giáo viên cần đọc đi đọc lại nhiều lần bài tập đọc, tìm hiểu kĩ nội dung cảm thụ sâu sắc nhất, tinh tế nhất của bài văn, bài thơ để tìm được giọng đọc đúng, đọc hay , đồng thời tìm ra câu (đoạn) mà học sinh có thể đọc hay bị vấp,  chứ không đơn thuần tìm ra những từ khó, dễ lẫn. Trước khi đọc mẫu giáo viên cần tạo cho học sinh tâm thế nghe đọc, hứng thú nghe đọc và yêu cầu học sinh đọc thầm theo. Khi đọc giáo viên đứng ở vị trí bao quát cả lớp không nên đi lại trong khi đọc và thỉnh thoảng mắt phải dừng sách nhìn lên học sinh nhưng không làm cho bài đọc bị gián đoạn. Có như vậy thì bước đọc mẫu của giáo viên mới hấp dẫn được học sinh.

3.4. Chú trọng rèn kĩ năng đọc cho từng đối tượng học sinh:

Yêu cầu, đặc trưng của phân môn này đối với các em là: đọc to, rõ ràng, rành mạch. Đầu năm giáo viên gọi từng em lên đọc bài, nắm được những mặt mạnh, mặt yếu của học sinh để phân nhóm đối tượng học sinh đồng thời ghi vào sổ tay mỗi em một trang theo dõi quá trình học tập của các em qua các đợt kiểm tra. Đối với phân môn Tập đọc thường có các dạng đối tượng sau:

(1) Đọc to, rõ ràng, rành mạch, ngắt nghỉ hơi hợp lí .

(2) Đọc to, rõ ràng nhưng chưa rành mạch.

(3) Đọc nhỏ, “thêm, bớt ” từ, đọc còn ê a, đọc sai từ, đọc không trôi chảy…

Đối với dạng đối tượng (1) giáo viên không mất nhiều thời gian để rèn đọc đúng cho các em và cũng không chỉ dừng lại ở yêu cầu đọc đúng mà còn có thể nâng lên yêu cầu bước đầu đọc hay, đọc diễn cảm. Riêng  hai dạng đối tượng còn lại giáo viên cần phải vừa kiên trì, nhẫn nại, không được buông thả trong việc rèn đọc cho các em vừa tạo điều kiện để học sinh được đọc nhiều ở lớp, luôn động viên, khuyến khích, tạo cho các em sự tự tin trong học tập, nhất là trong lúc đọc.

Đối với những học sinh đọc “thêm, bớt “ từ thì yêu cầu các em đọc lại 2 -3 lần câu đó để các em tự phát hiện từ các em đã đọc dư hoặc thiếu. Riêng các em đọc sai từ  cần lưu ý xem do đọc nhầm hay đọc vẹt đồng thời cho các em phân tích, đánh vần lại từ đó để các em sửa nhanh hơn. Thực tế một giờ tập đọc giáo viên rất ngại việc rèn đọc đối với các em đọc ngọng hoặc đớt vì sợ mất thời gian nên dẫn đến tình trạng giáo viên ít gọi các em đọc.

Đối với những học sinh này người giáo viên phải cặn kẽ, tỉ mỉ như những em ngọng âm t, th, a…(Ví dụ: “Chúng tôi” thì đọc là “Chúng côi”, “thầm thì ” đọc là “hầm hì”, “Anh ấy” thì đọc là “ăn ấy”….) , hướng dẫn các em nghe và xem giáo viên đọc: chẳng hạn khi đọc âm “a” các em phải mở rộng miệng hơi thoát ra mạnh ta sẽ phát âm đúng… Thầy đọc mẫu trò đọc theo, cứ thế  kiên trì dẫn dắt các em sẽ tiến bộ. Việc rèn đọc cho những học sinh này không chỉ trong một số tiết là xong mà có khi phải thực hiện trong cả một học kì hoặc cả năm học…

3.5. Rèn đọc cho học sinh theo từng dạng bài:

Các bài tập đọc trong sách Tiếng Việt lớp 3 có nhiều dạng bài (dạng văn xuôi, dạng thơ, dạng văn kể chuyện, dạng văn bản hành chính), mỗi dạng có các cách đọc khác nhau. Tùy theo từng dạng bài ta hướng dẫn học sinh cách đọc cho phù hợp.

* Bài dạng văn xuôi:

Trước hết giáo viên cần xác định từ và câu khó, câu dài để hướng dẫn học sinh. Đặc biệt lưu ý từ dễ đọc sai do đặc điểm phương ngữ . Ví dụ: học sinh thường đọc sai tiếng có phụ âm đầu: tr (tre, trên), th (thế, thì), s (sáng), r (rung rinh), v(và)…; tiếng có kết thúc âm cuối: t ( mặt), n (bàn,chín)…; tiếng có thanh ngã (bỡ  ngỡ).

Việc đọc từ dễ lẫn giáo viên cần cho học sinh tìm và phát hiện trong khi đọc câu vì có học sinh đọc từ thì đúng nhưng khi vào đọc câu, đọc đoạn thì sai. Việc hướng dẫn luyện đọc theo trình tự đọc câu- đoạn- bài. Bên cạnh việc đọc đúng giáo viên cần chú trọng hướng dẫn các em biết ngắt nghỉ hơi hợp lí vì bài văn xuôi thường có những câu dài.

Khi đọc phải liền từ; ngoài việc ngắt, nghỉ hơi theo dấu câu thì dựa vào nghĩa để ngắt hơi giữa các cụm từ. Sau khi xác định ngắt giọng ở mỗi câu văn dài bao giờ giáo viên cũng phải nhấn mạnh cho các em thấy tầm quan trọng trong việc ngắt, nghỉ hơi đúng ở câu văn, đoạn văn bằng việc rèn đọc lại câu văn đó, đoạn văn đó. Bên cạnh việc rèn đọc đúng đối bài dạng văn xuôi giáo viên có thể hướng dẫn học sinh nhấn giọng  những từ chỉ màu sắc, tính chất, âm thanh, những từ chỉ hành động.

Ví dụ: Bài “ Âm thanh thành phố”, giáo viên hướng dẫn học sinh nhấn giọng các từ: say mê, náo nhiệt, tiếng ve, tiếng kéo, tiếng còi tàu,… Từ đó cho học sinh thấy giữa khung cảnh náo nhiệt của thành phố vẫn còn có những âm thanh như tiếng đàn, tiếng nhạc làm say mê lòng người, làm cho học sinh thêm yêu quê hương, đất nước.

* Bài dạng thơ:

Tương tự như bài dạng văn xuôi trước tiên giáo viên cho học sinh luyện đọc đúng tiếng từ dễ lẫn, những dòng thơ. Và việc quan trọng không thể thiếu đó là hướng dẫn học sinh biết ngắt nhịp thơ. Việc ngắt nhịp thơ ngoài việc dựa vào thể thơ còn dựa vào nghĩa nên rất khó đối với học sinh. Giáo viên cho nhiều học sinh nêu cách ngắt nhịp theo cảm nhận của học sinh và sau đó giáo viên gợi mở để học sinh phát hiện ra cách ngắt nhịp đúng, có thể cho học sinh kí hiệu vào sách cho học sinh dễ nhớ.

Đồng thời giáo viên giúp học sinh làm quen với cách ngắt nhịp biểu cảm ở chỗ ngừng lâu hơn bình thường hoặc chỗ dừng không logic ngữ nghĩa. Ví dụ: Bài “bàn tay cô giáo”, hai câu thơ cuối bài cần đọc chậm để thể hiện sự thán phục và nhấn giọng các từ: biết bao, bàn tay cô. Bài “Chú ở bên Bác Hồ” cần đọc với giọng trầm lắng pha chút trang nghiêm.

Kết hợp với cách ngắt nhịp, nhấn giọng kéo dài ở một số từ (từ gạch chân) và cao giọng ở cuối câu hỏi. Để tạo nên âm hưởng biểu lộ sự xúc động niềm thương nhớ của Nga và bố mẹ trước sự hi sinh của người chú:

Chú Nga đi bộ đội/

Sao lâu quá là lâu!//

Nhớ chú,/ Nga thường nhắc://

– Chú bây giờ ở đâu?//

Chú ở đâu, /ở đâu?//

Trường Sơn dài dằng dặc?//

Trường Sa đảo nổi, /chìm?//

Hay Kon Tum,/ Đắc Lắc?//

* Bài dạng văn kể chuyện:

Phần luyện đọc đúng cũng tương tự như hai dạng trên nhưng cần lưu ý đối với dạng văn kể chuyện do nội dung gần gũi, giống như một cuộc trò chuyện nên học sinh dễ thuộc văn bản, từ đó dẫn đến hiện tượng học sinh thêm hoặc bớt từ khi đọc.

Ngoài ra giáo viên cần chú ý đến ngữ điệu đọc, giúp học sinh biết đọc phân biệt lời người dẫn chuyện với lời nhân vật, từng thời điểm giọng đọc có sự thay đổi phù hợp với nội dung câu chuyện, có lúc đọc nhanh, lúc đọc chậm.

Ví dụ: Bài Tập đọc- kể chuyện: “Bài tập làm văn” , giọng nhận vật “ tôi ” đọc với giọng tâm sự nhẹ nhàng, hồn nhiên; giọng “mẹ” đọc dịu dàng. Hoặc bài : “ Trận bóng dưới lòng đường ”, đoạn 1,2 đọc nhanh và dồn dập( tả trận bóng); đoạn 3,4 đọc chậm lại (hậu quả tai hại của trò chơi không đúng chỗ).

Việc đọc diễn cảm tuy chưa là yêu cầu bắt buộc đối với học sinh lớp ba nhưng đối với dạng bài kể chuyện thì bước đầu  giáo viên cần giúp cho học sinh biết đọc phân biệt lời nhân vật và thay đổi giọng đọc trong đoạn, bài để giúp học sinh kể chuyện tốt.

* Bài dạng văn bản hành chính:

Tùy vào từng thể loại mà giáo viên hướng dẫn học sinh luyện đọc. Nhưng việc trước tiên vẫn là luyện đọc đúng; tiếp đến là xác định giọng đọc cho phù hợp thể loại văn bản. Ví dụ: Bài “ Thư gửi bà” bước đầu bộc lộ được tình cảm thân mật qua giọng đọc, thích hợp với từng kiểu câu.

3.6. Giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo trong phần tổ chức luyện đọc lại:

Luyện đọc lại là một khâu không thể thiếu trong quy trình một tiết tập đọc. Tuy nhiên nếu giáo viên tổ chức không khéo sẽ gây nhàm chán cho học sinh (nhất là các em học sinh giỏi)vì các em đã đọc rất nhiều ở phần trên, mất nhiều thời gian, hiệu quả tiết tập đọc không cao. Vì vậy tùy vào trình độ học sinh, điều kiện lớp học, thời gian, nội dung và thể loại của bài tập đọc mà giáo viên có thể linh hoạt tổ chức nhiều hình thức luyện đọc lại nhằm mục đích củng cố kĩ năng đọc cần đạt và bước đầu giúp học sinh giỏi làm quen đọc diễn cảm để cảm thụ sâu sắc hơn nội dung bài tập đọc.

Ví dụ: Các bài thuộc dạng văn xuôi giáo viên có thể cho học sinh thi đọc đoạn văn mà học sinh thích; các bài thuộc dạng văn kể chuyện có thể cho học sinh đọc theo vai từng nhân vật; bài thuộc dạng thơ thì tổ chức cho học sinh thi học thuộc lòng một vài khổ thơ học sinh thích; Đối với bài dạng văn bản hành chính thì phần luyện đọc lại cần tổ chức cho học sinh luyện đọc cả bài vì mỗi phần trong cấu trúc của một văn bản hành chính rất quan trọng không thể thiếu bất kì phần nào.

Tóm lại phần luyện đọc lại cho dù được giáo viên tổ chức dưới hình thức nào cũng cần chú ý tới các em đọc yếu, các em chưa được tham gia đọc ở phần trên; trong khi học sinh đọc giáo viên cần quan tâm theo dõi, uốn nắn, sửa sai và phát huy khả năng đọc cho từng đối tượng học sinh.

3.7. Một số biện pháp hỗ trợ:

– Nhận xét, đánh giá học sinh cần nhẹ nhàng và tế nhị mang tính động viên khuyến khích học sinh. Tạo điều kiện cho học sinh được nhận xét bạn đọc như thế nào để rút kinh nghiệm cho bản thân. Tạo cho học sinh sự tự tin trong học tập.

– Phối hợp với phụ huynh trong việc hướng dẫn học sinh luyện đọc ở nhà  (đọc lại bài đã học và đọc trước bài sắp học) và thông báo mức độ tiến bộ của học sinh cho phụ huynh kịp thời, đây là một phần không nhỏ góp phần quan trọng giúp giáo viên thuận lợi trong việc “rèn đọc” cho các em.

– Rèn đọc cho học sinh thông qua tất cả các môn học.

– Động viên, khuyến khích học sinh thường xuyên tìm đọc sách, báo, truyện phù hợp với lứa tuổi học sinh.

– Tạo điều kiện cho học sinh giúp đỡ nhau trong việc rèn đọc thông qua “đôi bạn cùng tiến”

Tóm lại, để đảm bảo thời gian và chất lượng một tiết tập đọc giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo, phải dự kiến và xử lí tốt các tình huống có thể xảy ra khi hướng dẫn cho học sinh đọc. Đồng thời giáo viên phải tự trau dồi kiến thức, vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học vì không có phương pháp dạy học nào là vạn năng, tìm mọi biện pháp để hướng dẫn và tổ chức để học sinh luyện đọc có hiệu quả.

III. KẾT QUẢ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM :

1. Kết quả:

Qua việc vận dụng đổi mới phương pháp dạy học phân môn Tập đọc cùng với các biện pháp nêu trên thì kết quả  Tiếng việt (đọc) lớp 3 của cả cụm chuyên môn đạt được cuối năm học 2010-2011  như sau:

TSHSGiỏiKháTrung bìnhYếu
SLTLSLTLSLTLSLTL
53427451,3%14226,6%11822,1%00

2. Bài học kinh nghiệm:

Để dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 3, giáo viên  cần thực hiện các việc sau:

– Phải chú trọng việc rèn đọc cho học sinh ngay từ đầu năm học và được tiến hành một cách kiên trì, thường xuyên và liên tục. Rèn đọc cho học sinh ở tất cả các môn học ngay tại lớp và ở nhà.

– Giáo viên phải là người đọc chuẩn mực, hay và có sức thu hút học sinh trong việc phát âm, đọc liền mạch, đọc diễn cảm.

– Cần tổ chức các hoạt động dạy – học một cách tích cực. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức luyện đọc. Đồng thời thống kê chất lượng đọc của học sinh theo định kì để có hướng điều chỉnh phương pháp dạy học, biện pháp dạy học phù hợp qua đó nắm được sự tiến bộ của học sinh  trong quá trình học tập.

– Đọc sách thường xuyên để có vốn ngôn ngữ phong phú trong cuộc sống và cả văn học đễ đưa vào thực tế giảng dạy.

– Phải biết kết hợp với phụ huynh kịp thời.

– Tận tình uốn nắn các em thường xuyên, bao quát mọi đối tượng học sinh trong lớp.

PHẦN III: PHẦN KẾT LUẬN

Phân môn Tập đọc nói riêng môn Tiếng Việt nói chung đóng vai trò quan trọng là nền tảng giúp học sinh học tốt các môn khác, đồng thời giúp học sinh yêu thích Tiếng Việt hơn. Muốn dạy tốt phân môn Tập đọc, mỗi giáo viên cần phải không ngừng học hỏi, nghiên cứu tài liệu hướng dẫn thực hiện .

             Với một số biện pháp giúp dạy tốt phân môn Tập đọc cho học sinh lớp 3 sẽ là tiền đề để tiếp tục dạy phân môn Tập đọc ở lớp 4, 5 đạt kết quả tốt.

             Tóm lại, trong quá trình dạy học, giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập của học sinh. Cho nên, mỗi  giáo viên chúng ta cần mạnh dạn đổi mới phương pháp sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, nên tạo không khí lớp học tích cực, sôi nổi để học sinh cảm thấy tự tin, thoải mái, để học sinh thấy được mỗi ngày đến trường là được học rất nhiều điều mới lạ và mỗi ngày đến trường là một ngày vui .

Qua chuyên đề “ Một số biện pháp giúp dạy tốt phân môn Tập đọc lớp 3 “ nội dung chắc chắn còn nhiều thiếu sót, mong sự đóng góp của quý đồng nghiệp để chuyên đề được tốt hơn.

Tin tức - Tags: ,