Ca dao về Tình cảm gia đình (Phần 3)
Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Biết lấy chi đền nghĩa khó khăn,
Lên non xắn đá xây lăng phụng thờ.
Ơn cha nặng lắm ai ơi,
Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.
Ơn cha rộng thênh thênh tựa biển,
Nghĩa mẹ dài dằng dặc tựa sông,
Em nguyền ở vậy không chồng,
Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con.
Ơn thầy nghĩa mẹ nặng lắm anh ơi,
Nghĩa phu thê sớm muộn nhờ trời,
Tiết thanh xuân em hãy còn nở,
Chưa muộn thời mà anh lo!
Ra đi có đệ có huynh,
Cầu sông Ba có gãy, cầu sông Dinh bắc liền.
Ru con con ngủ à ơi,
Trông cho con lớn nên người khôn ngoan.
Làm trai gánh vác giang san,
Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào.
Ru con con ngủ đi nào,
Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng.
Làm trai quyết chí anh hùng,
Ra tay đánh dẹp, vẫy vùng nước non.
Tảo tần một nắng hai sương,
Nuôi con khôn lớn, trăm đường khó khăn.
Tảo tần sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,
Đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con.
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu,
Đề vô trong áo bậu, bốn câu ân tình.
Một câu phân với nữ trinh,
Ơn cha nghĩa mẹ cho trọn tình hiếu trung.
Hai câu ta phân với anh hùng,
Đào sâu cuốc chín ăn chung ở đời.
Ba câu anh nói, em phải nghe lời,
Đừng nghe lời thế sự đổi lời duyên ta.
Bốn câu nuôi chút mẹ già,
Tình chồng nghĩa vợ, mẹ với cha đền bồi.
Thật thà cũng thể lái trâu,
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.
Thờ cha mẹ, ở hết lòng,
Ấy là chữ hiếu, dạy trong luân thường.
Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi,
Giã gạo cho trắng đặng nuôi mẹ già.
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi,
Gạo thơm Nàng Quốc em nuôi mẹ già.
Tôm rằn lột vỏ bỏ đuôi,
Lúa nhe giã trắng mà nuôi mẹ già.
Trời mưa ướt lá đài bi,
Con mẹ, mẹ xót, xót gì con dâu!
Tử hiếu song thân lạc,
Gia hoà vạn sự thành.
Uốn cây từ thuở còn non,
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ.
Dạy con, dạy thuở còn thơ,
Dạy vợ, dạy thuở ban sơ mới về.
Chú thích
(*) Lúa Nàng Quốc: Một giống lúa truyền thống chịu mặn.
(*) Lúa nhe: Thứ lúa cổ truyền, thân mảnh, ít hạt nhưng giã trắng nấu trong nồi đất, rất dẻo và thơm. Thứ lúa này mỗi gia đình chỉ cấy một ít, dùng vào việc cúng cơm mới.
(*) Sông Ba: Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.
(*) Sông Dinh: Một nhánh của sông Đà Rằng chảy quanh thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nay đã bị bồi lấp.
Tin tức - Tags: ca dao, gia đình, tình cảm