Ca dao về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng (Phần 1)
Tổng hợp những câu Ca dao hay về hôn nhân và tình nghĩa vợ chồng được Trung tâm Gia sư Hà Nội sưu tầm và chia sẻ với bạn đọc.
A men lạy Đức Chúa Trời,
Xin cho bên đạo bên đời lấy nhau.
Ai ăn cau cưới thì đền
Tuổi tôi còn bé chưa nên lấy chồng
Ai bì anh có tiền bồ,
Anh đi anh lấy sáu cô một lần.
Cô Hai buôn tảo bán tần,
Cô Ba đòi nợ chỗ gần chỗ xa,
Cô Tư dọn dẹp trong nhà,
Cô Năm sắc thuốc, mẹ già cô trông.
Cô Sáu trải chiếu giăng mùng,
Một mình cô Bảy nằm chung với chồng.
Ai đi đợi với tôi cùng,
Tôi còn sắp sửa cho chồng đi thi.
Chồng tôi quyết đỗ khoa này,
Chữ tốt như rắn, văn hay như rồng.
Bõ khi xắn váy quai cồng,
Cơm niêu nước lọ nuôi chồng đi thi.
Ai kêu, ai hú bên sông,
Tôi đang vá áo cho chồng tôi đây.
Ăn sao cho được mà mời,
Thương sao cho được vợ người mà thương.
Ăn sung ngồi gốc cây sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Anh đã có vợ con riêng,
Như bông hoa riềng nửa đắng nửa cay.
Anh đã có vợ cầm tay,
Anh còn tơ tưởng chốn này làm chi.
Anh đi em ở lại nhà,
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ,
Lầm than bao quản nắng mưa,
Anh đi anh liệu tranh đua với đời!
Anh đi em ở lại nhà,
Biển sâu em lặn lội nuôi mẹ già đợi anh.
Anh đi làm ruộng ba trăng (giăng)
Ở nhà em giữ đạo hằng chớ sai.
Anh em ai đầy nồi nấy,
Vợ chồng không thấy lìa nhau.
Anh em cốt nhục đồng bào,
Vợ chồng là nghĩa lẽ nào không thương.
Anh khôn mà lấy vợ đần,
Lấy ai đưa đón khách gần khách xa.
Anh nên kiếm lấy một người,
Cho xinh, cho đẹp, miệng cười hoa thơm,
Để về xay lúa, vần cơm,
Để về nói chuyện sớm hôm đỡ buồn,
Để về vãi cải trong vườn,
Để về vằm nhút, làm tương, muối cà,
Để về nuôi lợn, nuôi gà,
Kiếm quan tiền vốn sau mà nuôi thân.
Anh nghiêng tai dưới gió,
Cho thiếp kể công khó anh nghe,
Từ ngày anh đau ban cua lưỡi trắng
Miệng đắng, cơm ôi,
Công em bồng đứng, đỡ ngồi,
Bây giờ anh ở bạc ông trời nào để anh.
Anh than vợ anh chưa có,
Em bước vô nhà thấy ai nằm đó?
Bớ anh chung tình,
Em thương anh để dạ, sợ anh bạc tình bỏ ai.
Anh thương em dầm nắng dãi mưa,
Cơm đùm cơm gói sớm trưa nhọc lòng.
Anh về Bình Định thăm nhà,
Tháng hai trở lại tháng ba cưới nàng.
Cưới nàng đôi nón Gò Găng,
Xấp lãnh An Thái một khăn trầu nguồn.
Anh về chẻ nứa đan sàng,
Chẻ tre đan chõng cho nàng ru con.
– Anh về để áo lại đây,
Ðêm khuya em đắp, gió tây lạnh lùng.
– Lạnh lùng, em lấy mùng đắp đỡ,
Anh đem áo anh về kẻo vợ anh ghen.
Anh về mắc võng ru con,
Đừng nên tơ tưởng trái chanh non trái mùa!
Anh về mắc võng ru con,
Tán tiêu, mài nghệ, anh còn đi đâu.
Anh về mắc võng ru con
Ai lên xe xuống ngựa, ai đẹp giòn mặc ai!
Áo vá vai, vợ ai không biết,
Áo vá quàng, nhất quyết vợ anh.
Ba Lai cầu gối đầu Rạch Miễu,
Anh thương anh hiểu,
Chứ em chưa hiểu song thân,
Mẹ biểu thì anh phải vâng,
Thôi về mai mối ngày gần anh qua.
Bạn nghèo thuở trước chớ quên,
Vợ cùng kham khổ, chẳng nên phụ tình.
Bao giờ cây chuối có cành,
Cho sung có nụ, cho hành có hoa.
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa,
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
Bao giờ cây cải làm đình,
Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
Bao giờ tiền có gạo còn,
Bấy giờ tôi lại giữ hòm cho anh.
Cá vàng lội vũng nước trong,
Đẹp duyên chồng vợ non sông giữ bền.
Cách mấy thu tưởng đà ly biệt,
Ai hay em còn thủ tiết chờ anh.
Cái vành khăn em vấn đã tròn
Câu cười tiếng nói đã giòn em lại ngoan
Sợi tơ hồng đã buộc với nhân doan (duyên)
Sao em không chịu gánh vác cái giang sơn nhà chồng.
Canh bầu nấu với cá trê,
Ăn vô cho mát mà mê vợ già.
Cất tiếng kêu cô mỹ nữ,
Đứng giữ tảng đá, chuông đồng,
Lòng cô muốn đi tu phải thối của cho chồng.
Ông thôn nhận mộc,
Ông cả đứng thị thiềng,
Bao nhiêu tiền của phải thối liền cho anh.
Cây hoa nhà ta, cây quả nhà ta,
Muốn ăn thì vác gậy ra mà cời.
Cây hoa nhà người, cây quả nhà người,
Trông thì mỏi mắt, chòi thời mỏi tay.
Chàng cưới thiếp bạc nén, vàng thoi,
Chàng về lựa họ cho hẳn, cho hoi.
Đàn ông đội nón Gò Găng quai tả,
Đàn bà nón thượng quai liền,
Con trai đi hậu vác tiên,
Mặc áo màu huyền, bịt khăn nhiễu lượt.
Võng chàng đi trước, võng thiếp đi sau.
Thiên hạ ngó vô: đám cưới nhà giàu!
Sui gia cũng xứng, kép đào cũng xinh.
Chẳng giậm thì thuyền chẳng đi,
Giậm ra nát ván thì thuyền long đanh.
Đôi ta lên thác xuống ghềnh,
Em ra đứng mũi để anh chịu sào.
Sông Bờ, sông Mã, sông Thao,
Ba ngọn sông ấy đổ vào sông Gâm.
Chẳng tham bồ lúa anh đầy,
Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian.
Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
Tham năm ba chữ cho tầy thế gian.
Chiều chiều mây phủ Đá Bia,
Đá Bia mây phủ, chị kia mất chồng.
– Mất chồng ta chẳng có lo,
Sợ anh mất vợ nằm co một mình.
Chiều chiều mây phủ Đá Bia,
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng.
Mất chồng như nậu mất trâu,
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm.
Chim bay về núi Sơn Chà,
Chồng nam vợ bắc ai mà muốn đâu.
Chim đa đa đậu nhánh đa,
Chồng gần không lấy để lấy chồng xa.
Một mai cha yếu mẹ già
Chén cơm đôi đũa bộ kỷ trà ai dâng?
Chính chuyên lấy được chín chồng,
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi.
Giữa đường quang đứt lọ rơi,
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng,
Tuy rằng tốt đẹp nhưng chồng người ta.
Chớ tham vóc lĩnh trừu hoa,
Lấy chồng làm lẽ người ta giày vò.
Chồng khôn được vợ đi hài,
Vợ khôn chồng được nhiều bài cậy trông.
Chồng khôn thì nổi cơ đồ,
Chồng dại luống tổn công phu nhọc nhằn.
Có chồng phải lụy theo chồng,
Nắng mưa phải chịu, mặn nồng phải cam.
Có con mà gả chồng gần,
Có bát canh cần nó cũng mang cho.
Hoài con mà gả chồng xa,
Trước là mất giỗ, sau là mất con.
Có con mà gả chồng gần,
Nửa đêm đốt đuốc mang phần cho cha.
Có con mà gả chồng xa,
Ba sào ruộng chéo chẳng ma nào cày.
Chú thích
(*) An Thái: Ngôi làng thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Làng có nghề dệt lụa và nghề làm bún song thần.
(*) Bình Định: Một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hàng trăm năm trước từng là cái nôi của võ cổ truyền Việt Nam.
(*) Cầu Ba Lai: Cầu qua sông Ba Lai, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
(*) Rạch Miễu: Cầu dây văng nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Bờ bắc của cầu là thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, bờ nam là huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre 10 km.
(*) Gò Găng: Làng thuộc xã Thuận Chính, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, có nghề làm nón ngựa thường được gọi là nón Gò Găng.
(*) Núi Đá Bia: Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian gọi là Núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, hiện ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên. Núi nổi tiếng vì tảng đá bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi mà cách xa vẫn có thể nhìn thấy. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt (Việt Nam ngày nay) tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia.
(*) Núi Sơn Chà: Một núi nhỏ, cây cối thưa và thấp, nằm trong đồng bằng Sông Cái, thuộc xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
(*) Sông Bờ: Còn gọi sông Đà, là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc – đông nam, tới Việt Nam chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở “ngã ba sông” (Việt Trì, Phú Thọ).
(*) Sông Gâm: Sông Gâm, còn gọi là sông Gầm, là một phụ lưu của sông Lô bắt nguồn từ Quảng Tây, Trung Quốc chảy vào miền Bắc Việt Nam. Sông Gâm đổ vào sông Lô ở làng Cửa Sông, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, cách 10 km về phía bắc thành phố Tuyên Quang.
(*) Sông Mã: Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào có chiều dài 512 km, chủ yếu chảy giữa vùng rừng núi và trung du. Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam.
(*) Sông Thao: Dòng chính của sông Hồng, bắt nguồn từ Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, vào Việt Nam ở tỉnh Lào Cai, chảy đến ngã ba Hạc ở Việt Trì, tỉnh Phú Thọ thì hợp lưu với sông Đà và sông Lô. Tại Việt Nam, sông chảy qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ.
Tin tức - Tags: ca dao, hôn nhân, tình nghĩa