Tiểu sử nhà toán học Vi-ét – người khai sinh môn Đại số

PHRĂNG-XOA VI-ÉT (Francois Viète, 1540-1603) là nhà toán học Pháp vĩ đại. Ông là người đầu tiên đưa ra các kí hiệu bằng chữ, do thế, người ta gọi ông là người cha của môn Đại số.

Tên tuổi của ông gắn liền với một định lí về nghiệm số của phương trình mà học sinh lớp 9 đều biết: định lí Vi-ét, nhưng công lao của ông to lớn hơn nhiều.

Tiểu sử nhà toán học Vi-ét - người khai sinh môn Đại số

PHRĂNG-XOA VI-ÉT (Francois Viète, 1540-1603)

Ông vốn là một trạng sư, từng làm “cố vấn cơ mật” cho các triều vua Hen-ri III và Hen-ri IV. Giữa những bộn rộn của công việc ở cung đình, hễ có ít phút rảnh rỗi là ông lại giải trí bằng cách… nghiên cứu Toán học!

Trong cuộc chiến tranh Pháp… Tây Ban Nha thời ấy, quân Tây Ban Nha thường liên lạc với những kẻ nội phản trong nước Pháp bằng các mật thư. Vì được viết bằng các mật mã gồm toàn các chữ số, nên các mật thư ấy hầu như không thể khám phá được.

Biết vị “cố vấn” Vi-ét thích toán, vua Hen-ri III đã nhờ ông thử dò tìm “chìa khóa” các mật thư này. Nhận lời, suốt hai tuần lễ, ông làm việc quên ăn quên ngủ. Cuối cùng, chính Vi-ét đã xé tung tấm màn bí mật: ông đã tìm ra quy luật thay thế các chữ và số trong cách viết mật thư. Đọc được các mật thư, quân Pháp đã làm thất bại hoàn toàn những mưu đồ của Tây Ban Nha. Về phía địch, chúng gắng dò tìm nguyên nhân: cuối cùng chúng biết được những kí hiệu đã bị phơi trần, dù nhiều lần thay đổi mật mã, và kẻ tìm ra bí mật là Phrăng-xoa Vi-ét! Quân Tây Ban Nha tuyên bố Vi-ét là kẻ tử thù và đã xử án hỏa thiêu vắng mặt ông, nhưng bản án dã man đó không bao giờ thực hiện được.

Không chỉ quan tâm sâu sắc đến Đại số; nghiên cứu các phương trình, Vi-ét còn nghiên cứu cả Hình học và Lượng giác. Ông cũng đã khảo cứu kĩ lưỡng nhiều công trình của các nhà toán học thời cổ.

Phần lớn cuộc đời của Vi-ét bị các công việc pháp lí của nghề trạng sư chiếm mất nên khó có thể tưởng tượng ông đã lấy đâu ra thời gian để làm nên những công trình toán học của mình. Bí quyết của ông chính là khả năng tập trung cao độ khi làm việc. Người ta còn kể lại, lúc gặp đươc một vấn đề thú vị, ông có thể ngồi ở bàn làm việc suốt ba ngày đêm liền.

Tin tức - Tags: , , ,