Những điều “ngộ nhận” về tiếng Anh

Ai cũng biết học tiếng Anh là cả một quá trình kéo dài hằng tháng, hằng năm, thậm chí cả đời.

Trong hành trình đằng đẵng đó tôi đã ngộ nhận rất nhiều, nhất là khi mới bắt đầu chập chững bước đi. Vậy hôm nay xin mạn phép kể lể một số sai lầm của bản thân với hi vọng tìm được tiếng nói chung và giúp những ai đó ngoài kia đang bắt đầu tập đi tránh xa vết xe đổ.

1. GIAO TIẾP THÀNH THẠO TRONG VÒNG 3 ĐẾN 6 THÁNG

Năm thứ 2 đại học, sau hơn một năm loanh quanh học tiếng Anh một cách tự phát, tôi quyết định tìm thầy học đạo. Việc đầu tiên tôi làm là google search tìm kiếm các trung tâm uy tín để gửi gắm niềm tin. Và họ đã không làm tôi thất vọng. Tôi bị cuốn hút ngay từ những dòng đầu tiên:
“Cam kết giao tiếp thành thạo trong vòng 3 đến 6 tháng.”

Những điều "ngộ nhận" về tiếng Anh-1

Lúc đó cảm giác “mặt trời chân lý chói qua tim”. Tôi nhanh tay đăng ký ngay 2 khóa học sau khi được nhân viên bên trung tâm tư vấn với thông điệp cuối cùng “số lượng có hạn, đăng ký hôm nay, nhận quà liền tay”. Và kết quả thì chắc ai từng đi học cũng đoán được. Lớp 18 học viên sau 2 tuần rụng còn 8. Và mục tiêu của tôi thì vẫn là mục tiêu bắn hoài không trúng.

Thế thì lỗi tại ai?

Bản thân tôi chưa bao giờ đổ lỗi cho trung tâm vì sau khi theo học đủ 2 khóa (6 tháng) tôi nhận ra mình cũng có tiến bộ. Vấn đề là sự tiến bộ đó so với mục tiêu ban đầu đặt ra thì chẳng thấm vào đâu.

Vậy phải làm thế nào?

Trước tiên phải làm rõ từ dùng chung “Thành Thạo”. Tôi muốn thành thạo nhưng lại không hiểu thành thạo là gì. Mãi sau này tôi mới nhận ra giao tiếp tiếng Anh có nhiều cấp độ với độ khó khác nhau. Cấp độ thứ nhất là chào hỏi, thứ hai là trò chuyện về những hoạt động hằng ngày, thứ ba là thảo luận vấn đề xã hội, thứ 4 là thuyết trình, thương lượng, đàm phán. (cái này tôi bịa ra). Tôi từng yêu cầu trung tâm đảm bảo cho tôi giao tiếp thành thạo sau 2 khóa học nhưng lại không nói rõ thành thạo là chào hỏi thành thạo hay thương lượng, đàm phán thành thạo bằng tiếng Anh. Thành ra có mỗi từ thành thạo mà mỗi bên hiểu theo một kiểu. Nếu mục tiêu của tôi là thuyết trình, thương thảo bằng tiếng Anh thì tôi đã thất bại nặng nề và sự thật chính xác là như vậy.

TRƯỚC KHI YÊU CẦU NGƯỜI KHÁC GIÚP MÌNH PHẢI BIẾT RÕ MÌNH MUỐN GÌ CÁI ĐÃ.

2. TÔI CẦN MỘT PHƯƠNG PHÁP TỐT

Trong thời gian đầu bập bõm học tiếng Anh tôi luôn mơ tưởng về một phương pháp thần kì có thể giúp tôi học ít hiểu nhiều, không cần đầu tư thời gian cũng như công sức mà vẫn có thể làm chủ tiếng Anh. Điều đó thôi thúc tôi lao vào một cuộc tìm kiếm và thử nghiệm điên cuồng. Tôi lang thang trên internet, đi lại khắp nơi, gặp các cao thủ để học hỏi phương pháp của họ. Tôi dành gần như toàn bộ thời gian để nghĩ về cách thức nọ, phương pháp kia. Hậu quả là sau gần một năm vật lộn tôi vẫn chưa tìm ra liều thuốc nào cho bệnh câm điếc.

Vấn đề ở đâu?

Người mới học tiếng Anh quá đề cao phương pháp. Thấy ai nói gì cũng làm theo nhưng lại làm một cách hời hợt nửa vời vì áp dụng phương pháp này chưa được bao lâu thấy người khác bảo phương pháp kia hay liền thay đổi cách học. Thành ra giống câu “Đẽo cày giữa đường”. Đã là phương pháp thì cái nào cũng hay cũng đúng. Vấn đề là nó đúng với ai. Người khác áp dụng thành công không có nghĩa là tôi cũng thành công bằng cách đó.

Những điều "ngộ nhận" về tiếng Anh-2
Thay vì dành quá nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp, hãy dành một nửa thời gian đó để thực sự học tiếng Anh, cụ thể mỗi ngày học thuộc 3 đến 5 câu tiếng Anh, nghe chép một đoạn hội thoại dài 30s đến 1p, chat hoặc chửi nhau với đứa bạn thân bằng tiếng Anh, nó không hiểu càng đỡ bị chửi lại. Duy trì trong một thời gian dài để biến hành vi thành thói quen. Tôi tin hiệu quả sẽ trông thấy.

NGHĨ ÍT, HÀNH ĐỘNG NHIỀU.

3. HỌC TIẾNG ANH RẤT THÚ VỊ

Ngộ nhận tai hại nhất của tôi là cho rằng tiếng Anh là môn học thú vị. Với nhận thức sai lầm đó tôi đã đi từ thất vọng này đến thất vọng khác. Dẫn đến không ít lần tôi định từ bỏ việc học tiếng Anh. Tôi từng mong chờ những giờ học lý thú, những hoạt động náo nhiệt, những trò chơi mang tính tương tác có thể giúp tôi nhồi nhét nhiều kiến thức mà không hề hại não. Sau nhiều buổi trải nghiệm kết quả thu được chẳng thấm vào đâu. Hoạt động vui chơi chỉ mang tính khích lệ, truyền cảm hứng. Tôi nhận ra mình trả tiền để mua kiến thức chứ không phải sự hứng thú nhất thời.
Sau này khi tự học và hằng ngày gặm nhấm sự nhàm chán tôi mới trân quý những giờ học hại não ngày xưa.

Những điều "ngộ nhận" về tiếng Anh-3

Tôi từng nhiều lần trì hoãn thậm chí từ bỏ việc học tiếng Anh chỉ vì không chịu được sự nhàm chán. Mớ từ vựng khô khan, chất giọng ồm ồm của người bản xứ, những giờ luyện phát âm đến sái quai hàm. Lý do vô vàn và cái nào cũng đầy sức thuyết phục. Bận đi làm, bận ôn thi, bận đi chơi với bạn gái. Lý do nào cũng chính đáng cả ^^. Ngay lúc này thay vì nghe một video tiếng Anh thì tôi ngồi viết mấy thứ có vẻ sáo rỗng này vì thấy so với việc căng não để nghe một mớ ngôn từ vô vị thì viết lách có vẻ hấp dẫn tôi hơn :v.

Nghĩ lại nếu tiếng Anh thực sự thú vị thì tôi và rất nhiều người chắc chắn đã thành siêu sao sau 7 năm chật vật ở trường phổ thông. Những người có năng khiếu tiếng Anh còn phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được chút thành tựu thì tôi – một học sinh bình thường không có tố chất nổi trội sẽ phải vất vả hơn họ gấp nhiều lần. Phải chấp nhận thôi. Nếu có ai đó tự nhận mình không có năng khiếu nhưng vẫn hi vọng sẽ làm chủ tiếng Anh một cách nhẹ nhàng thì xin hãy tỉnh ngủ ngay lập tức.

HỌC TIẾNG ANH RẤT NHÀM CHÁN. MUỐN HỌC TỐT PHẢI HẰNG NGÀY ĐỐI MẶT SỰ NHÀM CHÁN.

Còn một vài cái gạch đầu dòng nữa nhưng thời gian không cho phép nên tôi tạm thời dừng ở đây vậy. Có lẽ tôi nên tập trung vào việc học hơn là ngộ nhận sau khi viết xong bài này tiếng Anh của tôi sẽ tiến bộ hơn một chút ^^. Thực tế là ở mỗi thời điểm sẽ có những sự ngộ nhận khác nhau. Nhìn lại nhiều năm về trước tôi thấy mình ngộ nhận và có thể nhiều năm về sau khi nhìn lại thời điểm này tôi nhận ra mình đã ngộ nhận một vài điều gì đó. Thôi kệ đi. Đi dạo cái đã. Chúc mọi người một buổi tối vui vẻ!

(Theo fb: Tô Minh Nguyên)

Tin tức - Tags: , ,