Một số phương pháp giúp học tốt văn học dân gian
Văn học dân gian là lời ăn tiếng nói, điệu hồn của dân tộc, là cội nguồn văn hóa, vì thế nó giữ một vị thế quan trọng trong chương trình học phổ thông.
Văn học dân gian có ưu thế và sức mạnh riêng trong việc bồi đắp tâm hồn, lời ăn tiếng nói cho thế hệ trẻ của đất nước. Phát huy được sức mạnh đó trong giảng dạy và học tập văn học dân gian trong nhà trường phổ thông là mối quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người. Sau đây là một số phương pháp giúp học tốt văn học dân gian mà các bạn học sinh có thể tham khảo.
1. Xác định mục tiêu cần đạt được
– Nắm được những thuộc tính và chức năng cơ bản của văn học dân gian (VHDG).
– Nắm được kiến thức cơ bản và có hệ thống về các thể loại VHDG Việt Nam (VN)
– Cảm nhận được cái hay cái đẹp, giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm VHDG tiêu biểu.
– Hình thành được quan niệm, ý thức và những kỹ năng ban đầu về phương pháp học tập, nghiên cứu VHDG. Biết cách phân tích, bình giảng tác phẩm VHDG theo đặc trưng thể loại và phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Bước đầu biết cách sưu tầm, tìm hiểu VHDG địa phương.
2. Đọc tác phẩm
– Đọc tác phẩm theo danh mục tư liệu tham khảo mà giáo viên (GV) đã cung cấp.
– Đọc tác phẩm theo sự tự lựa chọn mà bản thân cảm thấy có liên quan đến VHDG.
+ Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn: Tóm tắt (kèm theo các chi tiết dị bản), sưu tầm các “motip” truyện, sưu tầm các chi tiết minh họa cho đặc điểm thi pháp thể loại.
+ Ca dao, tục ngữ: Sưu tầm theo chủ đề (Tự làm các phong bì để tiện việc phân loại tư liệu), theo các công thức truyền thống, theo đặc điểm thi pháp thể loại.
– Đối với các bài viết, các công trình nghiên cứu VHDG trong sách tham khảo về VHDG, các tạp chí chuyên ngành VHDG, cách đọc và làm việc với tài liệu tham khảo như sau:
+ Lựa chọn bài viết nào phù hợp với chương, bài mình đang học để dễ dàng tiếp nhận và mở rộng kiến thức.
+ Tóm tắt ý chính.
+ Sưu tầm những dẫn chứng theo chủ đề ( sẽ tiết kiệm thời gian tìm kiếm tư liệu vì người nghiên cứu đã dẫn chứng từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy).
+ Sưu tầm những nhận định hay (để phục vụ cho bài thi và bài giảng sau này).
3. Cách ghi chép
– Ghi chép trong giờ học ở lớp:
+ Ghi lời thuyết giảng của GV (nhấn mạnh những đánh giá, đúc kết)
+ Ghi những câu hỏi và trả lời hay, sáng tạo của bạn bè.
+ Ghi những ý chưa rõ, khó để về tra cứu, xác minh.
– Ghi chép ngoài giờ học ở lớp (thường là giờ tự học ở nhà):
+ Ghi chép vào sổ tay (đã chia ra thành nhiều đề mục thể loại – cắt tập theo nhiều lớp để hệ thống một cách khoa học các tư liệu ghi chép được)
4. Phần thực hành
Song song với việc học lý thuyết, thực hành và biết thực hành đúng cách sẽ giúp cho hcoj sinh khả năng vận dụng tốt và khắc sâu các vấn đề lý thuyết đã học. Với học phần văn học dân gian, kỹ năng thực hành thường gắn với các công việc cụ thể sau đây
– Tập phân tích tác phẩm văn học dân gian theo hai cách:
+ Phân tích theo kiểu lập dàn ý
+ Phân tích như một bài nghị luận, phê bình văn học (Theo lối viết bình giảng tác phẩm)
– Thuyết trình: Chuẩn bị bài nói thật chu đáo và công phu, đọc đi đọc lại nhiều lần để nắm thật vững chắc vấn đề mình sẽ trình bày, tập nói trước ở nhà (chú ý phân biệt nói với đọc), tập nói ngắt nhịp, phát âm rõ ràng chính xác và diễn cảm. Khi thuyết trình chú ý đối tượng lắng nghe để thể hiện sự giao lưu cho bài thuyết trình thành công hơn.
– Tập sáng tác thơ văn: Cụ thể là đặt lời mới cho dân ca, sáng tác ca dao mới theo công thức truyền thống, sáng tác truyện cười, ghép thành ngữ và tục ngữ thành một câu chuyện…
– Tham gia tích cực các hoạt động ngoại khóa do GV bộ môn tổ chức: Chuyển thể và biểu diễn các tác phẩm dân gian, hát dân ca, múa dân gian, đố vui về VHDG, bình những bài ca dao ngắn, kể chuyện VHDG….
– Tập sưu tầm VHDG từ gia đình, làng xóm ở quê nhà…
5. Chuẩn bị cho kỳ thi
– Thực hiện đúng và có chất lượng kế hoạch đã đề ra (từng tuần) tương ứng với các chương đã học.
– Hệ thống hóa kiến thức từng chương, từng phần và cả học phần.
– Tham gia thực hành thật nhiều lần vừa để rèn luyện kỹ năng diễn đạt vừa tích lũy kiến thức.
– Soạn bài theo các câu hỏi của chương, bài.
– Học nhóm để trao đổi bàn bạc, nắm thật chắc vấn đề (luyện nói bằng hình thức tranh luận).
– Đọc kỹ đề, hình dung bố cục trình bày, phân bố thời gian hợp lý và viết ngắn gọn đầy đủ, chú ý diễn đạt
Cuối cùng bất cứ phương pháp nào, muốn đạt hiệu quả cao nhất đều không thể thiếu những hoạt động tích cực sáng tạo từ phía người học. Chính người học sẽ thể nghiệm, ứng dụng, rút kinh nghiệm từ các phương pháp gợi ý nêu trên để tự chọn lựa cho mình một phương pháp phù hợp và hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công và học môn Văn học dân gian đạt hiệu quả cao nhất.
Tin tức - Tags: dân gian, Văn học, văn học dân gianPhương pháp rèn kỹ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 1
Tổng hợp các công thức trong Hình học 10
Sử dụng tích vô hướng giải các bài toán cực trị
Giải phương trình vô tỉ bằng phương pháp vectơ
Ứng dụng của vectơ trong chứng minh bất đẳng thức
Ứng dụng của vectơ trong các bài toán quỹ tích điểm
Ứng dụng vetơ chứng minh hai điểm trùng nhau