Đề thi vào lớp 6 chất lượng cao môn Ngữ văn năm 2013 – 2014

Thời gian làm bài: 60 phút. Có hướng dẫn giải.

Câu 1 (1,5 điểm): Từ nào không thuộc nhóm từ đồng nghĩa trong mỗi dãy từ sau?

a) ngào ngạt, sực nức, thoang thoảng, thơm nồng, thơm nức.

b) rực rỡ, sặc sỡ, tươi thắm, tươi tắn, thắm tươi.

c) long lanh, lóng lánh, lung linh, lung lay, lấp lánh.

Câu 2 (1,5 điểm): Chọn một trong các từ: rót, trút, đổ mà em cho là hay nhất để điền vào chỗ trống trong câu văn sau? Nói rõ vì sao em chọn từ đó?

“Lời ru nồng nàn, tha thiết của mẹ ………… vào tâm hồn thơ ngây, trong trắng của tôi biết bao yêu thương”.

Câu 3 (2điểm): Viết về người mẹ, nhà thơ Trương Nam Hương có những câu thơ sau:

“Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao”.

Theo em, khổ thơ trên đã bộc lộ những cảm xúc, suy nghĩ gì của tác giả về người mẹ của mình? Hãy viết đoạn văn diễn tả tình cảm đó.

Câu 4 (5 điểm): Trong 5 năm ở Tiểu học, em đã được học nhiều thầy (cô) giáo. Hãy kể một kỉ niệm làm em xúc động và nhớ mãi về tình thầy trò.

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI VÀO LỚP 6 CHẤT LƯỢNG CAO (LỚP CHỌN) NĂM HỌC 2013 – 2014

Câu 1 (1,5 điểm): Mỗi từ đúng 0,5đ

Từ không thuộc nhóm đồng nghĩa trong dãy từ a là “thoang thoảng”, b, là “tươi tắn”, c, là “lung lay”.

Câu 2 (1,5điểm): Chọn từ “rót” để có câu văn “Lời ru nồng nàn, tha thiết của mẹ rót vào tâm hồn thơ ngây, trong trắng của tôi biết bao yêu thương”. (0,5 điểm)

Ta chọn từ “rót” vì “rót” là đổ vào một cách nhẹ nhàng nên phù hợp với lời ru thân thương, nhẹ nhàng, tha thiết của mẹ. Các từ “trút”, “đổ” mang nghĩa đổ vào một cách mạnh hơn, không phù hợp với lời ru của mẹ. “Rót” còn mang nghĩa có nước nên dễ thấm đẫm trong tâm hồn mà các từ “trút”, “đổ” không cho thấy điều đó. (1.0đ)

Câu 3 (2.0 điểm)

Yêu cầu: HS trình bày dưới dạng đoạn văn ngắn

*Nội dung: nêu bật được những suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ về mẹ qua khổ thơ

– Nỗi xúc động đến nôn nao khi ngắm nhìn những sợi tóc bạc trắng theo thời gian trên mái đầu mẹ

– Hình ảnh đối lập: “Lưng mẹ cứ còng dần xuống – Cho con ngày một thêm cao ” bộc lộ lòng biết ơn sâu sắc của tác giả đối với sự hy sinh thầm lặng của mẹ.

– Đó là những suy nghĩ chân thành, sâu sắc của một người con gửi đến mẹ. Nhà thơ đã nói hộ nỗi lòng của nhiều người con bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, nghệ thuật nhân hoá, cùng hình ảnh đối lập giàu giá trị

Câu4 (5điểm)

Yêu cầu: HS xác định đúng yêu cầu của đề

– Kiểu bài: Kể chuyện đã được chứng kiến tham gia.

– HS xác định ngôi kể : Thứ nhất (người kể xưng em hoặc tôi)

a. Nội dung: kỉ niệm xúc động về tình thầy trò trong 5 năm học Tiểu học.

Dàn ý:

*Mở bài (1,đ)

– Giới thiệu về câu chuyện và nhân vật:Câu chuyên diễn ra vào bao giờ? Với thầy cô nào? Đã dạy em năm lớp mấy?

( Hs có thể mở bài theo 2 cách: Trực tiếp giới thiệu hoặc xây dựng tình huống gợi lại kỉ niệm cũ)

* Thân bài (3đ)- Kể diễn biến chi tiết kỉ niệm với thầy (cô) giáo cúa em.

(Yêu cầu:+ HS có thể xây dựng nhiều cốt truyện với các tình huống khác nhau nhưng cần làm nổi bật tình thầy trò cao cả: sự quan tâm, dạy bảo ân cần của thầy (cô) với em và bộc lộ lòng biết ơn của em với thầy (cô) giáo.

+ Cần xây dựng lời thoại giữa các nhân vật kết hợp với lời kể của người kể chuyện.

+ Trong khi kể có thể miêu tả về nhân vật, xen lẫn bộc lộ cảm xúc)

* Kết bài (1 ,đ)- Nêu kết thúc câu chuyên và tình cảm của em với thầy (cô) giáo.

b. Hình thức- Bài viết có bố cục 3 phần rõ ràng.- Văn viết trong sáng, mạch lạc, đúng ngữ pháp, chính tá.

Đề thi - Tags: ,