Dạy nói cho trẻ trước 1 tuổi
Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con. Khi tiếp xúc, cố gắng dùng ngôn ngữ, kể cả ngôn ngữ không lời, khi bé muốn yêu cầu điều gì, người lớn cần dùng lời nói để diễn tả trước khi đưa đồ vật, qua đó giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM khuyên, ngay từ khi trẻ chào đời, cha mẹ nên chú ý dạy con cách giao tiếp với thế giới bên ngoài thông qua cử chỉ, lời nói. Thông thường khi được 12 tuần tuổi trẻ đã biết cười khi người khác nói chuyên với mình và phát âm thanh “ê…a”, 16 tuần bé biết quay đầu về phía giọng nói phát ra… Nếu trẻ đến từng mốc giai đoạn mà chưa đạt được các tiêu chuẩn trên, nên đưa bé đi khám, bởi những đứa trẻ bị tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý thường bị những rối nhiễu về ngôn ngữ.
Để phụ huynh có thể đối chiếu, bà Minh nên khái quát các đặc điểm phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi như sau:
Sự phát triển nhận thức
– Từ 3 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng nhìn mọi người và mọi vật chăm chú hơn. Bé bắt đầu biết tìm hiểu về cơ thể mình như chăm chú nhìn các ngón tay, bàn tay, theo dõi cử động của tay, dang cả hai tay và đặt tay này lên tay kia.
– Từ 5 tháng tuổi trở đi, trẻ thường cảm nhận mọi vật xung quanh bằng mắt. Các em tìm hiểu thế giới bằng cách sờ mó vào vật mà chúng nhìn thấy. Bé có thể dõi theo những vật chuyển động. Vừa dõi theo vật mình thích, trẻ vừa đập chân đập tay, vừa phát ra những âm thanh sung sướng. Bé còn có khả năng bắt chước các biểu hiện nét mặt khác nhau của người lớn. Đây là yếu tố quan trọng của sự phát triển và gìn giữ mối liên hệ tình cảm giữa trẻ và cha mẹ.
Nhằm phát triển khả năng nhận thức cho bé, cha mẹ và người chăm sóc nên thường xuyên đưa trẻ đi dạo chơi để bé có thể quan sát cảnh vật xung quanh. Như thế sẽ giúp trẻ làm quen và thỏa mãn nhu cầu tiếp nhận các ấn tượng mới mẻ về thế giới bên ngoài.
Đặc điểm phát triển trí nhớ
Từ 4 tháng tuổi, trẻ có thể phân biệt giữa vật cũ và vật mới. Bé có xu hướng thích nhìn các đồ vật mới hơn, điều đó chứng tỏ rằng trẻ nhớ rõ các đồ vật mà chúng được nhìn thấy trước đó. Để bắt chước người lớn, trẻ cần phải ghi nhớ các âm thanh và hành động của người lớn. Để nhận ra mẹ thì trẻ phải nhớ khuôn mặt mẹ, giọng nói của mẹ. Để tìm được đồ chơi bị giấu trước mắt, trẻ phải nhớ lại nơi mà món đồ đó được giấu.
Nắm bắt được đặc điểm này, cha mẹ cần nên tổ chức nhiều hoạt động, nhiều trò chơi lặp đi lặp lại để rèn luyện trí nhớ cho con. Khi chơi, nên sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt nhằm giúp bé phát triển trí nhớ và khả năng sử dụng ngôn ngữ.
Đặc điểm phát triển ngôn ngữ
Ngay từ khi mới sinh, trẻ đã có cách biểu hiện những đòi hỏi, mong muốn trước cha mẹ. Ví dụ: Bé khóc khi muốn ăn, ọ ẹ khi tã lót bị ướt. Đến thời điểm gần một năm tuổi, hầu hết trẻ đã biết phát âm từ đầu tiên. Trẻ đã học được các cách thức giao tiếp cơ bản với người lớn. Trình độ ngôn ngữ của trẻ phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động giao tiếp của người lớn với trẻ.
– 12 tuần tuổi: Cười khi người khác nói chuyên với mình, phát ra âm thanh “ê…a”.
– 16 tuần: Quay đầu về phía giọng nói phát ra.
– 6 tháng tuổi: Từ âm thanh “ê a” chuyển sang nói bập bẹ.
– 8 tháng tuổi: Phát âm lặp đi lặp lại các âm tiết như “ma ma”, “ba ba”…
Để giúp trẻ phát triển khả năng sử dụng ngôn từ, cha mẹ cần thường xuyên trò chuyện, giao tiếp với trẻ. Khi tiếp xúc, luôn dùng lời nói, cả ngôn ngữ không lời, khi trẻ yêu cầu một điều gì, cần dùng ngôn ngữ diễn ra trước khi đưa đồ vật. Như thế sẽ giúp bé phát triển tối ưu khả năng sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ: Nếu trẻ chỉ cốc nước, người lớn không nên đưa ngay mà nên vừa chỉ cốc nước vừa nói “Con muốn cốc nước phải không?” hay “Mẹ sẽ lấy cốc nước cho con nhé?”.
Mặt khác nếu trẻ đến từng mốc giai đoạn mà chưa đạt được các tiêu chuẩn trên, nên đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi. Trên thực tế, những đứa trẻ bị tự kỷ hoặc tăng động giảm chú ý thường có những rối nhiễu về ngôn ngữ.
Tin tức - Tags: 1 tuổi, dạy nói