Dạy con về tiền bạc theo từng độ tuổi
Cha mẹ nên dạy cho trẻ cách sử dụng tiền từ khi còn bé. Điều này là rất cần thiết bởi nếu không sau này trẻ sẽ tiêu tiền một cách không khoa học.
Theo Jayne A. Pearl, tác giả cuốn sách Kids and Money cho rằng: “Dạy trẻ cách sử dụng tiền không bao giờ là quá sớm”. Vì vậy, tùy vào từng độ tuổi của trẻ mà bạn dạy con biết tiền là gì, dạy trẻ biết sử dụng tiền vào những mục đích nào và cuối cùng là dạy con cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.
Khi con 2 – 3 tuổi
Theo lời khuyên của Tiến sĩ giáo dục Dorothy Singer tại đại học Yale (Mỹ), trong độ tuổi 2-3, trẻ chưa thể nào phân biệt được mệnh giá của đồng tiền nhưng chắc chắn rằng trẻ sẽ phân biệt được màu sắc hay phân biệt được tờ tiền và những tờ giấy khác.
Hãy chơi trò chơi đồ hàng cùng trẻ, cùng giả định bạn sẽ đi chợ và mua đồ, mỗi khi bạn mua một món đồ nào của bé thì hãy đưa cho bé một tờ tiền. Mỗi lần mua bạn lại đưa một tờ tiền khác nhau. Đây là cách để bé có thể biết về hoạt động mua bán đơn giản. Bạn cũng có thể dắt bé đi siêu thị hoặc đi chợ để bé quan sát.
Khi con 4 – 5 tuổi
Khi con bạn đòi hỏi một món đồ chơi mới nhất hiện nay, nếu không cho trẻ mua bạn có thể giải thích để chúng hiểu rõ sự khác nhau giữa nhu cầu và ham muốn. Điều đó sẽ giúp trẻ đưa ra được những quyết định chi tiêu hợp lý khi còn ở độ tuổi rất nhỏ. “Kiểm soát ham muốn” cũng rất cần thiết cho việc dạy trẻ về tiền bạc. Trẻ sẽ biết chi tiêu một cách hợp lý, bạn cũng có thể cho trẻ mua với quy định trong số tiền bạn cho phép.
Khi con 6 – 8 tuổi
Ở tuổi này, đối với những khoản tiền con có như: tiền lì xì, tiền mừng sinh nhật, cha mẹ có thể để lại cho con một ít để trẻ nhé bỏ ống heo tiết kiệm. Bạn hãy đưa bé đi ngân hàng để bé có thể thấy bạn gửi tiền vào tài khoản và giải thích cho bé hiểu lợi ích của việc tiết kiệm, đây là độ tuổi thích hợp để khuyến khích trẻ tiết kiệm cho các sở thích và mong muốn cá nhân.
Khi con 9 – 12 tuổi
Giờ bạn có thể dạy con dùng tiền mua những thứ mình cần bằng cách dắt trẻ đi siêu thị cho trẻ lựa những món đồ trẻ cần, sau đó hướng dẫn trẻ nhìn bảng giá và so sánh chất lượng sản phẩm, sau đó, hãy để con quyết định lựa chọn sản phẩm nào ưng ý.
Bạn cũng có thể giúp bé tự kiếm tiền tiêu vặt bằng cách cho bé làm việc nhà, sau khi bé hoàn thành hãy trả tiền công cho trẻ.
Khi con 13 – 15 tuổi
Những khoản tiền sinh hoạt, học hành, vui chơi cho con ở tuổi này rất tốn kém. Vì thế, bố mẹ nên thảo luận với con về sự khác biệt giữa mong muốn với nhu cầu. Điều đó sẽ giúp trẻ đưa ra được những quyết định chi tiêu hợp lý hơn, biết cách cân đối giữa ngân sách với nhu cầu và mong muốn của gia đình.
Những khoản như tiền lì xì, tiền người lớn trong gia đình cho trẻ thì bạn cứ nên để trẻ giữ lấy và khuyên bé nên bỏ ống heo để có thể thêm tiền đóng học phí, mua quần áo cho những dịp lễ tết hoặc mua dụng cụ học tập. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ trích trong khoản tiền đó ra để mua quà tặng cho các thành viên trong gia đình, dù là những món quà đơn giản nhưng trẻ cũng học cách biết chia sẻ.
Khi con 16 tuổi trở lên
Cùng con lập ra những kế hoạch lâu dài như: dành tiền học đại học, mua xe mới khi con đủ tuổi để giúp con biết tiết kiệm cho những mục đích dài lâu. Hãy để con biết kiếm tiền nhưng không phải là làm việc nhà nữa mà để bé đi làm thêm hay tự kinh doanh những món đồ nhỏ chẳng hạn để bé biết cách tiêu tiền.
Bạn cũng có thể cho con tiền tiêu vặt hàng tuần hoặc hàng tháng nhưng để trong thẻ ngân hàng và hướng dẫn cho con biết cách dùng thẻ. Với số tiền cố định bạn hãy để con tự biết cách chi tiêu và xoay sở. Ngoài ra, bố mẹ nên khuyến khích con tham gia các hoạt động từ thiện hoặc hỗ trợ con tự tổ chức hoạt động từ thiện. Đó là cách để dạy con về trách nhiệm xã hội, cách kiếm tiền và tiêu tiền ý nghĩa.
Cách nuôi dạy của cha mẹ và môi trường sống tác động rất lớn đến sự hình thành tính cách của trẻ. Trẻ em thông thường sẽ bắt chước những gì người lớn làm hơn là những gì họ nói. Vậy nên đừng dạy trẻ phải tiết kiệm khi bạn là người tiêu tiền hoang phí.
Tin tức - Tags: dạy con, độ tuổi, tiền