Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thay đổi từng môn học
Chương trình giáo dục phổ thông mới được đổi mới theo hướng trang bị những năng lực, phẩm chất cụ thể cho học sinh nên chương trình của mỗi môn học cũng dự kiến thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này.
Dự kiến trong tháng 1, dự thảo các chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được Bộ GD-ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, cho biết đến thời điểm này, chương trình các môn học đã được chỉnh sửa, hoàn thiện trên cơ sở góp ý của nhiều chuyên gia, giáo viên.
Chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc ở cấp THPT
Môn ngoại ngữ ra sao ?
Riêng môn ngoại ngữ đang được xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở chương trình sách giáo khoa ngoại ngữ thí điểm của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Ngữ văn là môn học học từ lớp 1 đến lớp 12. Ở tiểu học, môn học này có tên là tiếng Việt; ở THCS và THPT có tên là ngữ văn.
Điểm khác biệt nhất so với các chương trình trước đây là môn ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, để lựa chọn nội dung dạy học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào 4 kỹ năng lớn: đọc, viết, nói và nghe. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong chương trình THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học bắt buộc.
Để tránh hiện tượng yêu cầu học sinh (HS) học thuộc lòng văn mẫu như hiện nay, GS Thuyết cho rằng chương trình mới bảo đảm nguyên tắc HS được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mỹ và những suy nghĩ của chính mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.
Tinh giản, thiết thực
GS Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn toán, cho hay điều quan trọng mà môn toán mới hướng tới là bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. Cụ thể, nội dung môn toán phải tinh giản, phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học, đồng thời chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế hay các môn học khác, đặc biệt với các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM, gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính…).
Đáng chú ý, môn toán mới ở từng cấp cũng dành thời gian thích đáng để tiến hành các hoạt động trải nghiệm toán học cho HS chẳng hạn như: tiến hành các đề tài, dự án học tập, đặc biệt là các đề tài và các dự án về ứng dụng toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi toán học, câu lạc bộ, diễn đàn…
Ngoài ra, môn toán mới cũng đảm bảo tính phân hóa ở tất cả các cấp học, tăng cường dạy học theo hướng cá thể hóa người học, đáp ứng yêu cầu cần đạt chung của CT, đồng thời chú ý tới các đối tượng có nhu cầu đặc biệt (HS năng khiếu, HS khuyết tật…).
Dạy lịch sử bắt đầu bằng kể chuyện
Cấu trúc nội dung chương trình môn lịch sử và địa lý đổi mới khá căn bản. Về lịch sử, chương trình chỉ lựa chọn những sự kiện, nhân vật lịch sử tiêu biểu của vùng miền, quốc gia, khu vực, một số giai đoạn lịch sử, không tuân thủ nghiêm ngặt tính lịch đại. Chương trình chú trọng việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, lựa chọn và phối hợp có hiệu quả giữa các hình thức tổ chức và phương pháp dạy học lịch sử và địa lý.
Hình thức dạy học chú trọng lối kể chuyện, dẫn chuyện lịch sử, giáo viên giúp cho HS làm quen với lịch sử địa phương, lịch sử dân tộc, khu vực và thế giới qua các câu chuyện lịch sử; tạo cơ sở để HS bước đầu nhận thức về khái niệm thời gian, không gian, đọc hiểu các nguồn sử liệu đơn giản về sự kiện, nhân vật lịch sử.
Đến cấp THCS, lịch sử và địa lý là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Trong chương trình, các mạch kiến thức của lịch sử và địa lý được tích hợp ở mức độ đơn giản, sắp xếp gần nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau.
Theo GS Thuyết, điểm mới trong cấu trúc, tích hợp của phân môn lịch sử ở cấp THCS là nếu chương trình và sách giáo khoa lịch sử hiện hành viết riêng lịch sử thế giới, sau đó là lịch sử VN, thì nội dung lịch sử trong chương trình mới ở cấp THCS lấy trục thời gian làm trục xuyên suốt. Vì thế, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều cố gắng thiết kế theo mô hình: thế giới – khu vực – VN – lịch sử địa phương trong đó, lấy lịch sử VN làm trọng tâm, chiếm 60% thời lượng của chương trình.
Ngoài ra, môn lịch sử của cả 3 cấp khác với chương trình trước đây ở chỗ, hầu như không thiết kế đồng tâm từ thấp lên cao. Ở cấp THCS, HS sẽ được học lịch sử từ nguyên thủy cho đến nay. Do đó, những sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử… được sắp xếp theo thời gian. Sự khác biệt về mức độ chương trình THCS không phải chỉ ở khối lượng nội dung, chi tiết các sự kiện lịch sử, mà điều chủ yếu là mức độ nhận thức rất cơ bản ở THCS về bản chất của các sự kiện, nguyên nhân của các biến chuyển lịch sử, của sự đa dạng các mô hình xã hội, về lý luận nhận thức và sự chú trọng rèn luyện các kỹ năng học tập, vận dụng kiến thức vào các tình huống mới.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bắt buộc từ lớp 1 – 12
Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục lần đầu tiên được xuất hiện là một chương trình độc lập trong giáo dục phổ thông mới, thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12.
Ở tiểu học, gọi là hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS và THPT gọi là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Nội dung chương trình ở tiểu học tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Ở THCS, chương trình tập trung nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp. Ở THPT, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung cao hơn vào nội dung hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp khác, HS được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.
Theo ông Thuyết, để hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đầy đủ trong các nhà trường thì kết quả giáo dục trong hoạt động trải nghiệm phải được xem là một tiêu chí xếp loại HS, giáo viên và nhà trường như kết quả giáo dục trong các môn học.
Hoạt động trải nghiệm có thể được tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm với nhiều nội dung và quy mô khác nhau, bởi vậy, tùy theo cách tổ chức để huy động sự tham gia, phối hợp của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nhà trường cũng cần tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hoạt động xã hội, nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương… cho các hoạt động giáo dục này.
Tin tức - Tags: giáo dục, môn học, phổ thôngNhững kỹ năng sống thiết yếu nên dạy con trước 10 tuổi
Dạy con tuổi vị thành niên, khó không?
Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 học kì 2 năm học 2017-2018
Nội dung ôn tập môn Ngữ văn lớp 7
Chuyện kể về nhà toán học Talet
104 Number Theory Problems: From the Training of the USA IMO Team
Áp dụng Thuật toán Euclid tính nhanh ước chung lớn nhất & Bội số chung nhỏ nhất