Chia sẻ về việc học Toán của học sinh lớp 1
Trung tâm Gia sư Hà Nội xin chia sẻ về việc học Toán của học sinh lớp 1 với bạn đọc. Mong rằng qua bài viết này các bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về việc học của các bé.
Rất nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc, thậm chí cho là nghịch lý trong phân phối chương trình lớp 1, gây áp lực cho giáo viên và học sinh, đó là: phải giải toán khi chưa biết chữ.
Dạy lớp 1 là khó nhất ở tiểu học
Nói như vậy bởi vì học sinh chưa biết chữ và bắt đầu học chữ. Dạy lớp 1 không khó về kiến thức mà khó về phương pháp, khó hơn là đưa các em vào nền nếp. Học sinh lớp Một chuyển từ hoạt động chủ đạo là “chơi” ở mầm non sang hoạt động chủ đạo là “học” ở lớp 1, đó là thách thức lớn.
Trẻ em 6 tuổi hôm nay, khác xa với cha mẹ các em lúc họ 6 tuổi: Internet, máy tính, điện thoại di động,…đã làm trẻ em biết thêm nhiều, khôn lên nhiều, đồng thời cũng làm việc học bị phân tán nhiều. Nhưng chắc chắn là con cái sẽ giỏi hơn cha mẹ, vì xã hội không thể đi lùi.
Dạy trẻ em không khó, nếu chúng ta biết dạy. Trẻ em thông minh hơn ta tưởng nhiều. Bạn hãy để cho chúng cầm chiệc điện thoại di động của bạn, sau vài lần chúng đã thành thạo các phím, thạo các trò chơi mà ta không dễ làm được. Vấn đề “học” cũng vậy, nếu trẻ thấy hứng thú các em sẽ học tốt. Điều quan trọng là người lớn biết cách “Dạy”, biết chơi với trẻ để dạy trẻ học.
Bạn quan tâm đến học toán của con là điều đáng mừng. Mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu trẻ em vào lớp Một. Bỏ qua những lời than phiền thường nhật: nào là lớp đông, bài khó; cô giáo, sách giáo khoa có vấn đề,… Những việc đó để cho các nhà chuyên môn làm. Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc làm thiết thực hơn. Đó là hãy nghĩ cách dạy trẻ học toán tốt hơn.
Tôi chỉ xin các vị phụ huynh, mỗi ngày dành 10 phút chơi với con. Con bạn sẽ học tốt toán ở lớp 1. Bạn hãy giúp con học toán bằng cách chơi mà học với con.
Học toán ở đầu lớp 1, học sinh chưa biết đọc, chưa biết viết chữ nhưng các em hoàn toàn có thể học toán được.
Học toán lớp 1, chủ yếu là quan sát hình vẽ và nghe giáo viên hướng dẫn. Cô giáo dùng lời để mô tả các tình huống, bài toán và dạy học sinh sử dụng các kí hiệu toán học thay cho việc đọc và viết bằng chữ (vì học sinh chưa biết đọc, biết viết). Nếu giáo viên, phụ huynh nào thấy lúng túng xin hãy tham khảo cách dạy toán được trình bày ở phần dưới.
Học sinh lớp Một học toán như thế nào?
Học sinh lớp Một chỉ cần biết 15 kí hiệu ( 0, 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9; <, >, =, , – ) là đủ để học toán hết học kì 1. Đó là điều kì diệu của toán học.
Việc học toán của học sinh sẽ hiệu quả nếu như bạn kiên trì, không nóng vội, chuẩn bị tốt cho con học toán theo hướng dẫn của từng vấn đề sau đây:
Vấn đề 1
Trước tiên bạn dạy con “học đếm” từ 1 đến 10, đếm lùi từ 10 đến 1. Chắc chắn em bé 6 tuổi nào cũng làm được.
– Sau đó “chơi đếm” tiếp từ 1 đến 20, đếm lùi từ 20 về 1.
– Rồi bạn đố con “đếm cách 1” từ 1 đến 19: 1, 3, 5, .., 17, 19; đếm lùi cách 1 từ 20 về 0: 20, 18, 16,…, 2, 0.
Trò chơi “tập đếm” giúp học sinh biết làm tính về sau. Trẻ biết đếm sẽ biết làm tính.
Biết đếm bình thường là biết cộng thêm 1, đếm lùi là biết trừ đi 1; đếm cách 1 là biết cộng thêm 2; đếm lùi cách 1 là biết trừ đi 2.
Vấn đề 2
Bạn cùng con “chơi số”, bằng cách cho con giơ 1 ngón tay, lấy 1 cái kẹo để biết về số 1; lấy 3 cái đũa, lấy 4 cái bát, lấy 9 cái thìa,…để có biểu tượng về các số lớn hơn. Trẻ lấy đúng số đồ vật bạn yêu cầu là trẻ đã có biểu tượng đúng về các số.
Có thể ban đầu trẻ lấy chưa đúng, bạn đừng lo. Bạn chỉ hướng dẫn vài lần là trẻ lấy đúng được số đồ vật bạn yêu cầu.
Vấn đề 3
Bạn cho con so sánh 3 cái kẹo với 2 cái kẹo, xem phần nào nhiều hơn? So sánh 4 cái thìa với 5 cái thìa bên nào ít hơn? Nếu trẻ đã biết 3 cái kẹo nhiều hơn 2 cái kẹo là trẻ đã biết so sánh nhiều hơn, ít hơn. Lúc đó thì bạn chỉ cần nói thêm 3 cái kẹo nhiều hơn 2 cái kẹo, vậy 3 lớn hơn 2; 4 cái thìa ít hơn 5 cái thìa thì có 4 bé hơn 5. Bạn chọn nhiều loại đồ vật, lấy số đồ vật nhiều hơn để cho trẻ so sánh là giúp trẻ biết so sánh các số từ 0 đến 10 (0 bé hơn 1; 5 lớn hơn 3; 9 bé hơn 10,…).
Ở trường cô giáo dạy trẻ so sánh, bằng cách nhận xét cột 3 ô vuông cao hơn cột 2 ô vuông, để rút ra 3 lớn hơn 2 (3 > 2).
Vấn đề 4
Dạy tính cộng, tính trừ cũng chẳng khó khăn gì.
Bạn hãy “đố” trẻ : Nếu con có 2 cái kẹo, mẹ cho thêm 1 cái kẹo nữa thì con có mấy cái kẹo? Nếu bé có 4 cái kẹo, bé ăn 1 chiếc thì còn mấy cái kẹo? Chắc rằng bé sẽ trả lời đúng. Như vậy trẻ đã có biểu tượng về thêm vào, bớt đi là cơ sở của phép cộng, phép trừ.
Bạn cho trẻ “giải miệng” các bài toán kiểu như vậy từ dễ đến khó để củng cố thế nào là thêm vào, thế nào là bớt đi. Sau đó bạn chỉ cần nói, khi thêm vào thì ta làm tính cộng ( ), khi bớt đi thì làm tính trừ (-). Như vậy trẻ đã biết cộng là thêm vào, trừ là bớt đi.
Ở trường cô giáo dạy trẻ làm phép cộng, trừ bằng các que tính, bằng các ngón tay. Ở nhà bạn dạy trẻ dùng các viên kẹo, các chiếc đũa, chiếc thìa để trẻ thực hiện việc thêm vào hay bớt đi, sau đó đếm để tìm kết quả.
Ở trường cô giáo cũng cho học sinh đếm que tính, quan sát và đếm số con thỏ, số con chim ở các hình vẽ trong sách để học số, học làm tính và học cách diễn đạt (nhìn hình vẽ học sinh phải nói được : tất cả có 5 con chim đậu trên cành, có 2 con bay đi. Vậy trên cành còn lại mấy con chim?).
Như vậy dạy đếm, dạy số, dạy so sánh số, dạy cộng trừ nói ở trên toàn bằng lời nói không cần đến chữ. Bốn vấn đề trên là nội dung cơ bản của môn toán lớp Một. Nếu con bạn đã có vốn về toán như vậy, con bạn sẽ học toán ở lớp nhẹ nhàng, hứng thú và chất lượng.
Không biết chữ vì sao vẫn học Toán được?
Ngày xưa, các bà đi chợ mặc dù không biết chữ đã học toán theo kiểu này vẫn tính toán đúng, tính nhẩm rất nhanh và thành công trong làm ăn và buôn bán. Học sinh lớp Một cũng học toán qua quan sát, diễn tả bằng lời, diễn đạt bằng kí hiệu thay cho chữ viết một cách hiệu quả.
Các phụ huynh cần biết và yên tâm về điểm này.
Các kí hiệu toán để thay cho chữ viết, đó là:
– Số 0 thay cho chữ “không”, số 1 thay cho chữ “một”, số 9 thay cho chữ “chín”,…. Trẻ học toán, dùng 0 thay cho “không”, 5 thay cho “năm”,… . Số 1 trẻ học ngay đầu lớp Một, còn chữ “một” đến giữa kì 1 mới học đọc, viết; chữ “không” còn học đọc, viết muộn hơn.
– Dấu “<” thay cho chữ “bé hơn”; dấu “>” thay cho chữ “lớn hơn”, dấu “=” thay cho chữ “bằng”. Thay vì phải viết các chữ dài dòng: “chín lớn hơn ba”, “hai bé hơn bốn” học sinh chỉ cần viết qua các kí hiệu 9 > 3; 2 < 4,… .
– Dấu “ ” thay cho chữ “cộng”, dấu “–” thay cho chữ “trừ”. Thay vì phải viết: “sáu cộng ba bằng chín”, “tám trừ 6 bằng hai” học sinh chỉ cần viết kí hiệu đơn giản:
6 3 = 9; 8 – 2 = 6. Học sinh biết dùng kí hiệu để thay lời; biết đọc từ kí hiệu thành lời nhờ hướng dẫn của giáo viên ngay từ những ngày đầu học toán và quá trình luyện tập, củng cố của các em.
Trong sách giáo khoa có các bài tập điền số, điền dấu ( <, >, =, , -) vào ô vuông, vào chỗ trống (….) , nối phép tính với kết quả đúng, … .
Những dạng bài này đều được cô giáo làm mẫu hoặc hướng dẫn và củng cố hàng ngày. Học sinh đã làm quen, hiểu được và làm được. Nếu cô giáo đã hướng dẫn kĩ, cả lớp làm được mà con bạn chưa làm được thì bạn cần giúp đỡ con. Chúng ta muốn giúp con học, thì cần phải biết ở trường trẻ đã học được gì và học như thế nào ? để giúp trẻ học hiệu quả nhất.
Lời kết
Thành công của trẻ, một nửa là công lao của cha mẹ. Bằng các câu đố, trò chơi bạn “vừa chơi, vừa học” với con. Đó là cách học tự nhiên nhất, hứng thú nhất đối với trẻ. Có thể chính từ đó trẻ sẽ thích học toán hơn, yêu toán hơn. Đây là công lao, là hạnh phúc và thành công của bạn.
Có thầy giỏi, mới có trò giỏi. Không ai phủ nhận giá trị của người thầy. Giáo viên phải nắm vững chương trình, kế hoạch dạy học, tâm lí học sinh để có thể hướng dẫn, tổ chức các giờ học toán hấp dẫn. Sao cho học sinh thích học và học tốt môn toán. Đó là trách nhiệm và vinh dự của mỗi giáo viên.
Người lớn lo ngại nhiều thứ mà trẻ em dễ dàng làm được. Nếu bạn có ý giúp con từ đầu, con bạn sẽ thành công. Vấn đề là sự kiên trì của người lớn, làm được điều này không phải dễ. Cần để cho “mưa dầm, thấm lâu”, không thể nóng vội.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến không bắt trẻ học sớm, không học trước khi vào lớp Một. Hãy chuẩn bị tâm thế vào lớp Một cho trẻ; hãy để trẻ phát triển tự nhiên, hãy giúp trẻ trải nghiệm, khám phá để các em trở thành chính mình, không áp lực, không sức ép để cho các em thấy đi học là hạnh phúc, đến trường là niềm vui.
Chúc các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh có nhiều ý kiến hay để học sinh lớp Một học toán có kết quả tốt như tất cả chúng ta cùng mong đợi.
Tin tức - Tags: học sinh, học toán, lớp 1Những bài thơ hay cho trẻ mẫu giáo
Thi THPT quốc gia 2018: 4,99 điểm không được làm tròn thành 5
Không có quy định 5 điểm mỗi môn mới đỗ tốt nghiệp
Cách viết phương trình đường trung trực của đoạn thẳng
Đề cương ôn tập học kì I môn Ngữ Văn 6 phần Tiếng Việt
Toàn bộ công thức tiểu học cần ghi nhớ
Những lời chúc bằng tiếng Anh cực ý nghĩa gửi tặng thầy cô nhân ngày 20/11