Ca dao về hôn nhân, tình nghĩa vợ chồng (Phần 3)
Nước sông Ba chảy qua sông Cái,
Anh có vợ rồi, chọc gái làm chi…
Ở chi hai dạ ba lòng,
Dạ cam thì ngọt, dạ bòng thì chua.
Ớt nào là ớt chẳng cay,
Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng.
Vôi nào là vôi chẳng nồng,
Gái nào là gái có chồng chẳng ghen.
Phải duyên phải nợ thì theo,
Không phải duyên nợ, vàng đeo mặc vàng.
Dầu mà anh có nên quan,
Hiển vinh mình bạn, đây nàng cũng không.
Em kiếm nơi mô có tình nghĩa vợ chồng,
Ơn cha nghĩa mẹ đạo đồng em theo.
Qua đồng ghé nón thăm chồng,
Ðồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiêu.
Rau răm ngắt ngọn lại trồng,
Em thương anh lắm, sợ lòng chị ghen.
Anh về bảo chị đừng ghen,
Để em thấp thoáng bóng đèn cho vui.
Rủ nhau lên núi đốt than,
Chồng mang đòn gánh vợ mang quanh giành.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.
Rượu nào là rượu chẳng nồng,
Gái nào là gái chẳng vì chồng hay ghen?
Sáu cô đi chợ một xuồng,
Tôi chèo theo chính giữa sợ mích lòng sáu cô.
Phải chi tôi có lúa bồ,
Tôi xin cưới hết sáu cô một lần.
Cô hai mua tảo bán tần,
Cô ba sắc thuốc dưỡng thân mẹ già,
Cô tư nấu nước pha trà,
Cô năm coi cửa coi nhà ngoài trong,
Cô sáu trải chiếu, giăng mùng,
Cô bảy san sẻ tình chung với mình.
Phải chi cả sáu cô thuận tình,
Trai năm thê bảy thiếp, vợ mình đông vui.
Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh đi Tam Điệp em mang nón trình.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.
Sơn Triều nhiều ruộng nhiều cau,
Để cho chị Bốn làm dâu Sơn Triều.
Làm dâu coi trước coi sau,
Coi nhà mấy cột coi cau mấy hàng.
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên chồng vợ ngàn năm cũng chờ!
Ta rằng ta chẳng có ghen,
Chồng ta ta giữ, ta nghiền ta chơi.
Tay anh cầm bút ngọc hoà châu,
Đề vô trong áo bậu, bốn câu ân tình.
Một câu phân với nữ trinh,
Ơn cha nghĩa mẹ cho trọn tình hiếu trung.
Hai câu ta phân với anh hùng,
Đào sâu cuốc chín ăn chung ở đời.
Ba câu anh nói, em phải nghe lời,
Đừng nghe lời thế sự đổi lời duyên ta.
Bốn câu nuôi chút mẹ già,
Tình chồng nghĩa vợ, mẹ với cha đền bồi.
Tháng một là tháng trồng khoai,
Tháng hai trồng đậu, tháng Ba trồng cà.
Tháng Tư cày vỡ ruộng ra,
Tháng Năm làm mạ mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày vợ cấy trong lòng vui thay.
Tháng Bảy gặt hái đã xong,
Nhờ Trời một mẫu năm nong thóc đầy.
Năm nong thóc đầy em xay em giã,
Trấu ủ phân cám bã nuôi heo.
Sang năm lúa tốt tiền nhiều,
Em đem đóng thuế, đóng siêu cho chàng.
Đói no có thiếp có chàng,
Còn hơn chung đỉnh giàu sang một mình.
Theo cha theo mẹ đã đành,
Theo đôi theo lứa mới thành thất gia.
Thiệt hại thay cho thằng bé lên ba,
Nó lăn nó khóc giữa nhà năm gian.
Khóc than giữa chốn linh sàng,
Ba vuông nhiễu tím đôi hàng chữ vôi.
Chớ thiệt hại thay người thác thì đã yên rồi,
Để cho người sống ở đời chơ vơ.
Ba bốn năm nhang khói thiếp tôi phụng thờ.
Đầu đội chữ hiếu tay sơ chữ tình.
Chữ hiếu trung thiếp tôi gánh vác một mình,
Chẳng hay chàng có thấu tình thiếp chăng.
Đường đi khuất nẻo khói chùng.
Thương ai bằng nỗi thương con,
Nhớ ai bằng nỗi gái son nhớ chồng.
Thương gái Ngân Điền
Không tiền đi cưới!
-Tui ra sông Ba thả lưới
Bắt con cá lúi ba gang
Đem chợ Củng Sơn tui bán
Cưới nàng còn dư…
Tiếc con tôm rằn đem nấu canh rau má,
Tiếc con cá bống hẹ đem nấu với lá cỏ hôi,
Tiếc công ơn thầy nghĩa mẹ phấn đánh sáp nhồi,
Em lấy chồng không đặng hai chữ cân đôi cũng buồn.
Tiếng đồn Hộ Tịnh giàu lâu,
Gả con Thông Lý đưa dâu bằng bò.
Khen cho Hộ Tịnh biết lo,
Đưa heo thì mất đưa bò còn nguyên.
Tôi đà biết vợ anh rồi,
Quăn quăn tóc trước là người hay ghen.
Tre lên ba lóng còn non,
Có chồng như bậu gái son không bằng.
Trèo lên Ba Dội tôi coi,
Bốn dội tôi ngồi năm dội tôi trông.
Nồi đồng lại úp vung đồng,
Con gái xứ Huế lấy chồng Đồng Nai.
Giậm chân xuống đất kêu trời,
Lấy chồng trong Quảng biết đời nào ra.
Vai mang khăn gói theo chồng
Đắng cay thiếp chịu, mặn nồng thiếp cam.
Vợ anh đen lắm anh ơi,
Đem ra chỗ nắng mà phơi cho giòn.
Thóc phơi ba nắng thì giòn,
Vợ anh ba nắng sắp đòn mà khiêng.
Vợ anh em chẳng dám bì,
Vợ anh vàng bảy em thì than ba.
Ước gì ta ở một nhà,
Để xem vàng bảy than ba thế nào?
Vàng bảy anh vứt xuống ao,
Than ba anh để võng đào anh đưa.
Vợ anh khéo liệu khéo lo,
Bán đi con bò mua con ễnh ương.
Đem về thả ở gầm giường,
Nó kêu ì ọp, lại thương con bò.
Vợ anh như bát cơm xôi,
Anh còn chẳng chuộng nữa tôi cơm hàng.
Vợ anh tay bạc tay vàng,
Anh còn chẳng chuộng nữa nàng tay không.
Vợ anh như ngọc như ngà,
Anh còn chẳng chuộng nữa là thân tôi.
Vợ anh như thể đĩa xôi,
Anh còn phụ bạc, nữa tôi cơm đùm,
Vợ anh xấu máu hay ghen,
Anh đừng lấp lửng chơi đèn hai tim.
Vợ chồng ăn miếng trầu cay,
Phải đâu khách lạ mà khay xà cừ.
Vợ chồng ăn miếng trầu cay,
Phải đâu khách lạ mà kiếm khay xà cừ.
Vợ chồng đầu gối má kề,
Lòng nào mà bỏ mà về cho đang.
Hồ về chân lại đá ngang,
Về sao cho dứt cho đang mà về!
Vợ chồng đầu gối má kề,
Lòng nào mà bỏ ra về cho đang.
Hồ về chân lại đá ngang,
Về sao cho dứt cho đang mà về.
Vợ chồng hàng xáo chúng ta,
Bách niên giai lão được và trống canh.
Vợ chồng là nghĩa già đời,
Ai ơi chớ nghĩ những lời thiệt hơn.
Vợ chồng là nghĩa phu thê,
Tay ấp má kề sinh tử có nhau.
Vợ đẹp càng tổ đau lưng,
Chè ngon ngọt giọng thuốc ngon quyện đờm.
Xin anh hãy cứ an tâm,
Trước sau rồi cũng sắt cầm đẹp duyên.
Xưa kia ăn những của chồng,
Mới có một đồng đỏng đảnh ăn riêng.
Yêu nhau lấy quách nhau đi,
Ông Tơ bà Nguyệt làm chi thì làm.
Chú thích
(*) Củng Sơn: Thị trấn thuộc huyện Sơn Hòa, Phú Yên, là huyện lỵ Sơn Hòa từ năm 1899. Thời xưa là thôn Phước Sơn, có một bảo quan trọng làm nhiệm vụ biên phòng. Đây là cửa ngõ đi vào Thủy Xá, Hỏa Xá, là nơi các phái bộ hai tiểu quốc này dừng nghỉ trước khi đến tỉnh thành Phú Yên.
(*) Đèo Hải Vân: Còn có tên là đèo Ải Vân vì trên đỉnh đèo xưa kia có một cửa ải, hay đèo Mây vì đỉnh đèo thường có mây che phủ, cắt ngang dãy núi Bạch Mã (là một phần của dãy Trường Sơn chạy cắt ra sát biển) ở giữa ranh giới tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.
(*) Hộ Tịnh: Tức ông Nguyễn Bá Tịnh, ông là người giàu có, đã đóng góp một khoản tiền lớn cho triều đình nên được sắc phong Bá Hộ. Ông Hộ Tịnh cho con ra Bình Định học nghề hát bội từ con cháu nhà hát tuồng Đào Tấn nổi tiếng, rồi trở về lập gánh hát. Gánh hát ông Hộ Tịnh quy tụ nhiều đào kép tài sắc đi lưu diễn khắp nơi, là gánh hát nổi tiếng ở Phú Yên bấy giờ. Trong những người con của ông Hộ Tịnh, có ông Nguyễn Chi là người học rộng, sớm tiếp thu tư tưởng tiến bộ của phong trào Duy Tân. Ông Nguyễn Chi là một trong những sĩ phu lãnh đạo phong trào chống sưu thuế năm 1908 ở Phú Yên.
(*) Tam Điệp: Dãy núi Tam Điệp là dải núi cuối cùng của khối núi cao đá vôi Hòa Bình – Sơn La đâm ra gần sát biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Điều đặc biệt là dãy núi Tam Điệp cắt ngang vùng đồng bằng duyên hải thành 2 phần châu thổ sông Hồng và sông Mã nên nó được xem là ranh giới giữa miền Bắc và miền Trung. Núi Tam Điệp có giá trị như một bức tường thành thiên nhiên lợi hại ngăn cách hai vùng Ninh Bình – Thanh Hoá và án ngữ các đường thuỷ bộ từ Bắc vào Nam từ xa xưa.
(*) Ngân Điền: Thôn thuộc xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Trước đây nơi này dân còn thưa thớt, buôn bán sơ sài nghèo nàn.
(*) Sông Ba: Bắt nguồn từ núi Ngok Rô ở độ cao 1.549 m, trên dãy Ngok Linh (thuộc tỉnh Kon Tum), sông Ba chảy theo sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, qua các tỉnh Gia Lai, Phú Yên để đổ về Biển Đông.
(*) Sông Cái: Còn gọi là sông Kỳ Lộc, sông La Hiên, bắt nguồn từ tỉnh Gia Lai, chảy qua tỉnh Bình Định, Phú Yên.
(*) Sơn Triều: Một làng thuộc xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đây nhiều ruộng, là vùng trù phú.
Tin tức - Tags: ca dao, hôn nhân, tình nghĩa, vợ chồng