7 câu nói giúp trẻ tự lập theo phương pháp Montessori

Thay vì vội vàng lấy giày giúp con, bạn hãy hỏi “Con có thể tìm nó ở đâu?” để trẻ chủ động hơn, bớt phụ thuộc vào bố mẹ.

Montessori khó có thể tóm tắt trong vài từ. Đó là triết lý về giáo dục dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Italy Maria Montessori (1870-1952), là cách giúp trẻ phát triển theo khả năng riêng của mình. Một trong những cách dễ dàng nhất để hiểu về Montessori là lắng nghe ngôn ngữ mà những nhà sư phạm Montessori sử dụng nhằm khuyến khích tính độc lập và thúc đẩy tư duy phản biện của trẻ.

Trang Motherly cung cấp 7 câu nói phổ biến mà bạn có thể nghe ở bất kỳ lớp học Montessori nào và cách áp dụng khi trẻ ở nhà.

1. “Cô thấy con rất chăm chỉ”

Tập trung vào quá trình thay vì kết quả là một nguyên lý quan trọng của Montessori. Giáo viên tránh nói với trẻ những câu như “chữ của con đẹp quá”, thay vào đó nhận xét về cách trẻ tập trung trong thời gian dài, cách chúng viết nắn nót và dễ đọc.

Điều này giúp nuôi dưỡng tư duy phát triển của trẻ, có nghĩa chúng sẽ tin rằng mình có thể cải thiện kết quả thông qua nỗ lực của bản thân.

7 câu nói giúp trẻ tự lập theo phương pháp Montessori

Phương pháp Montessori giúp trẻ phát triển tư duy độc lập, không dựa dẫm vào người lớn. Ảnh: Campaign Asia

Ở nhà, bạn hãy thử thay đổi cách nói “Con là một cậu bé ngoan” thành “Mẹ để ý thấy con rất tốt bụng khi chia sẻ chiếc ôtô đồ chơi với em ngày hôm qua”. Hoặc thay vì nói “Con là một họa sĩ cừ đấy”, bạn hãy đổi thành “Mẹ để ý thấy con đã vẽ tranh rất tỉ mẩn cho đến khi ưng ý mới thôi”.

2. “Con nghĩ gì về bài làm của mình?”

Trong phương pháp Montessori, trẻ cũng là giáo viên của chính mình. Các giáo viên ở đó như những người hướng dẫn, đưa ra bài học và giúp đỡ trẻ, nhưng trẻ tự phát hiện ra nhiều điều thông qua môi trường được chuẩn bị kỹ càng.

Tự phân tích là một phần quan trọng của khám phá. Do đó, khi trẻ hỏi, “Mẹ có thích bức tranh của con không?”, bạn hãy thử hỏi ngược lại thay vì chỉ nói “Mẹ thích lắm”. Bạn có thể để con giãi bày xem bản thân thích gì ở bức tranh, tại sao lại lựa chọn màu sắc như vậy? Tập cho trẻ đánh giá công việc của mình tốt hơn là tìm kiếm sự chấp thuận của người khác.

3. “Con có thể tìm nó ở đâu?”

Tính độc lập là giá trị quan trọng trong môi trường Montessori, dù ở lớp hay ở nhà. Mục tiêu của giáo viên là giúp trẻ tự mình làm mà không phụ thuộc vào người khác. Dù đưa ra câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi của trẻ là việc dễ dàng hơn, giáo viên thường đặt lại một câu hỏi khác “Con có thể tìm nó ở đâu?”, “Con có thể nhờ bạn nào giúp đỡ?”.

Nếu con trai bạn không tìm thấy giày và bạn nhìn thấy nó thò ra từ dưới gầm giường, hãy cố gắng đặt câu hỏi thay vì chỉ chỗ cho trẻ ngay: “Khi cởi giày ra thì con ở đâu? Con đã thử kiểm tra trong phòng chưa?”. Việc này có thể mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ rất đáng giá, bởi trẻ bắt đầu trở nên chủ động và ít tìm đến bạn hơn.

4. Con muốn cô giúp làm phần nào?

Tại lớp học theo phương pháp Montessori, trẻ phải chịu trách nhiệm về nhiều thứ, gồm dọn dẹp không gian xung quanh. Trẻ thường tự hào về việc này, dành thời gian cắm hoa đặt lên bàn, tưới nước cho vườn cây, vui vẻ lau cửa sổ và bàn học.

Đôi khi một nhiệm vụ nào đó có thể quá khả năng của trẻ. Trong trường hợp này, giáo viên thường hỏi trẻ cần giúp như thế nào. Họ không xắn tay giải quyết hộ trẻ từ đầu đến cuối, bởi điều này sẽ truyền thông điệp rằng trẻ không đủ khả năng.

Chẳng hạn, nếu trẻ đang mệt nhưng vẫn phải dọn dẹp Lego trước khi đi ngủ, việc này có thể quá tải. Tuy nhiên, phụ huynh không nhất thiết phải lựa chọn giữa việc yêu cầu con dọn dẹp như mọi khi hoặc cứ thế đi ngủ. Bạn hãy thử nói “Con muốn mẹ cất những màu nào hộ con?” hoặc “Mẹ sẽ cất những mảnh ghép màu vàng còn con cất màu xanh nhé”, để trẻ cảm thấy được mẹ giúp đỡ và công việc trở nên dễ dàng hơn.

5. “Trong lớp, chúng ta…”

Mẫu câu này được sử dụng nhằm nhắc trẻ về quy tắc của lớp học để điều chỉnh hành vi. Lời nhắc nhở này sẽ dẫn đến sự hợp tác của trẻ mà không cần phải lớn tiếng. Câu “Trong lớp, chúng ta ngồi khi đang ăn” ít gây ra sự phản kháng hơn câu ra lệnh “Ngồi xuống”.

Giống như tất cả chúng ta, trẻ muốn trở thành một phần của cộng đồng và chúng ta chỉ đơn giản nhắc nhở chúng về cách hoạt động của cộng đồng.

Tương tự, khi ở nhà, phụ huynh có thể nói với trẻ rằng “Trong nhà mình, chúng ta đi bộ thôi” thay vì mắng “Ngừng chạy xem nào!” và theo dõi hiệu quả.

6. “Đừng làm phiền, cậu bé đang tập trung”

Bảo vệ sự tập trung của trẻ là một phần cơ bản của triết lý Montessori. Các lớp học Montessori cho trẻ những khoảng thời gian làm việc liên tục, không bị gián đoạn, thường là ba tiếng. Điều này giúp trẻ phát huy độ tập trung sâu.

Đôi khi, việc tương tác bằng mắt cũng đủ phá vỡ sự tập trung của trẻ. Lần tới, khi thấy con chăm chú vẽ một bức tranh hay xây một tòa tháp đồ chơi, bạn hãy thử im lặng quan sát thay vì mở lời khen ngợi. Sau đó, bạn có thể ghi nhớ khoảnh khắc đó để nhắc lại vào lúc khác, khích lệ con vì sự tập trung vào tác phẩm của mình.

7. “Hãy theo trẻ”

Đây là điều mà giáo viên theo Montessori nói với nhau và với phụ huynh, không phải với đứa trẻ. Mục đích của câu nói này là củng cố niềm tin rằng mỗi đứa trẻ đều có thời hạn phát triển nội lực của riêng mình, không phải ai cũng biết đi khi một tuổi hay biết đọc khi bốn tuổi. Chúng có nhu cầu, đam mê và tài năng khác nhau. Đằng sau mỗi hành vi của chúng cũng đều có lý do cụ thể. Do đó, việc của chúng ta là dạy dỗ và hướng dẫn chúng theo cách phù hợp.

Nếu không thể khiến con thích đọc sách, bạn hãy thử quan sát xem trẻ thích gì. Nếu trẻ là người khá nhí nhố, bạn nên tìm sách có nội dung hài hước thay vì tác phẩm văn học cổ điển. Làm theo cách này, bạn sẽ nhìn thấy con ở một góc độ khác và sẽ tương tác với con hiệu quả hơn.

Ngay cả khi không cho con theo học trường Montessori, bạn có thể dễ dàng đưa những ý tưởng của phương pháp sư phạm này vào nhà, quan sát tính độc lập và sự tập trung của trẻ ngày một cải thiện.

Tin tức - Tags: ,