5 phẩm chất đạo đức cần thiết cha mẹ nên dạy con
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc dạy một đứa trẻ còn đang học mẫu giáo về những phẩm chất quan trọng của một người tử tế là quá sớm, tuy nhiên đó lại là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Việc giáo dục con về đạo đức nên làm càng sớm càng tốt.
Cùng Timgiasuhanoi.com tìm hiểu những phẩm chất quan trọng mà cha mẹ nên dạy cho bé ngay từ khi con còn nhỏ để giúp trẻ trở thành một người tử tế, ngoan ngoãn và được giáo dục tốt.
Các nghiên cứu của chuyên gia cho thấy, những người thành công trong sự nghiệp, có cuộc sống hạnh phúc thường có những phẩm chất đạo đức quan trọng. Cha mẹ chính là những người giúp con trẻ hình thành những phẩm chất ấy ngay từ nhỏ.
Dưới đây là 5 phẩm chất hàng đầu mà trẻ cần có để có thể trở thành một người thành công và hạnh phúc.
1. Trung thực
Hãy giúp con hiểu rằng nói ra sự thật là điều quan trọng nhất. Cho dù con có gây ra lỗi lầm lớn đến đâu hay sự việc có khó khăn đến mức nào thì chỉ cần con nói thật, mọi chuyện đều có thể được giải quyết và bé sẽ dễ dàng được tha thứ hơn.
Cách tốt nhất để khuyến khích tính trung thực ở trẻ là bản thân bạn phải là một người trung thực. Carol – một bà mẹ Mỹ đã chia sẻ rằng: “Tôi quyết định hạn chế số ngày chơi chung giữa con trai 3 tuổi của tôi là Chris và Paul bạn của thằng bé. Gần đây, 2 đứa trẻ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn và tôi nghĩ rằng chúng không nên chơi với nhau nhiều nữa. Khi mẹ Paul gọi điện đến để đề nghị đưa cậu bé sang nhà tôi, tôi đã nói rằng Chris đang bị ốm.”
Không may, cuộc nói chuyện giữa Carol và mẹ Paul bị con trai cô nghe được và cậu bé vô cùng sửng sốt khi nghe mẹ mình nói rằng cậu đang bị ốm. Carol đã vô cùng bối rối và xấu hổ không biết nên giải thích sao cho con hiểu rằng cô chỉ không muốn mẹ Paul lo lắng, vô tình hành động của Carol đã khiến con trai cô trở nên nghi ngờ tất cả mọi thứ diễn ra xung quanh bé.
Hãy nhớ rằng đừng bao giờ nói với con những câu như: “Con đừng nói với mẹ rằng bố đã cho con ăn kẹo nhé” hay “Nếu như chưa làm xong bài tập, con hãy nói với cô rằng hôm qua con bị ốm”…những câu nói như vậy sẽ khiến trẻ có suy nghĩ lệch lạc và vô tình biến con bạn thành một đứa trẻ biết nói dối. Cha mẹ cần là một tấm gương tốt cho con, hãy cho bé thấy bạn là người trung thực như thế nào. Trong trường hợp của Carol tại sao không nói thật rằng: “Có lẽ hôm nay bọn trẻ không nên chơi cùng nhau, tuần trước chúng đã đánh nhau rất nhiều, tôi nghĩ chúng ta nên cho con thời gian để suy nghĩ”
Đừng bao giờ có những phản ứng thái quá hay cáu giận khi con lỡ nói dối bạn, thay vào đó hãy giải thích cho con hiểu bằng cách nêu ra những hậu quả sẽ xảy ra khi bé nói dối, từ đó hướng con tới đức tính trung thực mà ai cũng nên có.
2. Hiểu lý lẽ và công bằng
Trẻ em là những đứa trẻ rất ngây thơ nhưng cũng có sự ích kỉ rất lớn, và nếu như không được giáo dục từ sớm rất có thể trẻ sẽ trở thành một người sống chỉ nghĩ đến bản thân và luôn đố kỵ với người khác. Trong những buổi chơi tập thể, hay ngay trong gia đình khi bạn mua đồ chơi mới cho anh chị em của bé, con cũng có thể sẽ đố kỵ và phản ứng lại. Những lúc như vậy, đừng giận dữ hay quát mắng, bạn cần giúp con hiểu về sự công bằng.
Ví dụ như khi bạn mua cho anh của bé một chiếc ô tô đồ chơi và bé đã tức giận với anh mình bởi vì anh có đồ chơi mới, thay vì cáu với con, bạn hãy giải thích cho con như sau: “Anh của con có đồ chơi mới bởi vì anh đã được cô giáo khen ngợi khi ở trường, nếu con cũng làm được như vậy mẹ cũng sẽ mua cho con. Tuy nhiên, con cần ra xin lỗi anh ngay bởi vì việc con vừa làm là rất mất lịch sự và không ngoan chút nào”
Chỉ với những lời giải thích đơn giản nhưng bé hoàn toàn sẽ hiểu ra rằng mọi thứ đều có sự công bằng và chỉ khi con ngoan ngoãn thì con mới xứng đáng được thưởng. Hơn thế nữa, hãy khuyến khích con sửa sai nếu như con đã vô tình gây ra một lỗi lầm nào đó.
3. Kiên nhẫn và quyết tâm
Hãy cho con hiểu rằng những điều tốt đẹp sẽ đến với người có quyết tâm và sự kiên nhẫn. Trẻ em có đức tính kiên nhẫn thường dễ đạt được thành công hơn so với những đứa trẻ khác. Khi con có sự quyết tâm và làm một chuyện đến cuối cùng, không tức giận hay bỏ ngang, khi công việc đó hoàn thành bé sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng giống như đã đạt được một thành tựu lớn.
Đức tính này cần có sự giúp đỡ của cha mẹ, hãy nhớ rằng con bạn sẽ luôn lấy bạn làm hình mẫu lý tưởng. Nếu bạn cho con thấy sự nóng vội, hay tức giận khi không làm được việc bé sẽ rất khó để rèn luyện tính kiên nhẫn. Nếu con đang làm một việc khá khó so với con, hãy ở bên và động viên bé, hướng con tới kết quả cuối cùng nếu như con có thể hoàn thành mục tiêu, điều đó sẽ tiếp thêm cho trẻ rất nhiều sức mạnh.
Tương tự vậy, nếu con yêu cầu bạn lấy cho một thứ gì đó hãy trả lời bé rằng: “Mẹ sẽ giúp con lấy chúng khi mẹ nấu ăn xong, hãy kiên nhẫn chờ đợi”, như vậy con bạn sẽ hiểu rằng điều gì cũng có trình tự, và nếu bé muốn được giúp đỡ con cần học cách chờ đợi.
4. Có sự đồng cảm và biết yêu thương
Cha mẹ thường có xu hướng nghĩ rằng trẻ luôn yêu thương mọi người một cách tự nhiên. Điều đó là đúng, nhưng để tình yêu ấy kéo dài, bé cần được đáp lại. Dù bạn có bận rộn đến đâu hãy luôn chắc chắn rằng trong một ngày có ít nhất một lần bạn nói với con rằng: “Bố/,mẹ yêu con”
Hãy để trẻ nhìn thấy cách bạn thể hiện tình yêu thương với mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Đừng ngại ngần thể hiện tình yêu của mình với con cái hay vợ/chồng bạn. Bạn cũng cần nói cho con về việc bạn yêu thương cha mẹ mình và người thân trong gia đình nhiều đến mức nào.
Và tất nhiên, đừng để một ngày trôi qua mà không thể hiện tình yêu thương của mình với trẻ. Hãy thể hiện tình cảm của mình một cách bất ngờ như một lời nhắn trong hộp cơm trưa, một miếng dán trái tim trong gương nhà tắm để trẻ có thể nhìn thấy khi đánh răng, ôm trẻ chẳng cần lý do…
Không những thế, bé cũng cần biết cảm thông, đồng cảm với những mảnh đời trong xã hội. Cha mẹ nên giải thích cho con hiểu về cuộc sống khó khăn của những người vô gia cư, những người khuyết tật, nếu có thể hãy cho con được tự mình đến thăm, chứng kiến và giúp đỡ họ. Sự đồng cảm và tình yêu thương là vô cùng quan trọng đối với mỗi con người, nhất là trong xã hội công nghiệp ngày nay.
5. Sự tự tin
Bằng cách rèn luyện cho con đức tính độc lập ngay từ nhỏ, con bạn sẽ luôn có những phán đoán và định hướng chính xác trong cuộc sống, điều đó đóng vai trò quan trọng giúp bé trở thành một người tự tin. Giúp con hiểu rằng dù sự việc có khó khăn đến đâu thì chỉ cần làm theo từng bước, tự tin vào khả năng của chính mình thì không có gì là không thể giải quyết.
Dạy cho con cách tự ăn bằng thìa, mặc một chiếc áo, cho con quyền quyết định mua những món đồ đơn giản…tất cả những điều nhỏ đó sẽ giúp trẻ có cảm giác tự chủ và dần dần hình thành sự tự tin, bản lĩnh của bản thân mình. Đương nhiên, cha mẹ cũng cần cho con thấy rằng chính bản thân bạn cũng là người tự tin vào bản thân, ví dụ như: “Bố biết lắp một chiếc tủ không phải là chuyện dễ nhưng bố tự tin rằng chỉ cần bố quyết tâm và làm theo từng bước một thì bố sẽ hoàn thành được nhiệm vụ này.”
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng bạn đang dạy con cách tự tin vào chính mình chứ không phải tự kiêu. Giúp con hiểu rằng, nếu như mọi chuyện quá khó khăn và vượt ngoài khả năng của con, đừng ngần ngại yêu cầu được giúp đỡ hoặc tư vấn từ những người xung quanh. Việc giúp con xây dựng sự tự tin sẽ mất một khoảng thời gian khá dài, chính vì vậy không bao giờ là quá sớm để dạy bé.
Timgiasuhanoi.com hi vọng với 5 phẩm chất được nêu trên đây, cha mẹ sẽ biết cách giúp con tự tin vững bước trên con đường sắp tới, trở thành một người thành công nhưng cũng giàu lòng nhân ái.
Tin tức - Tags: cha mẹ, dạy con, Đạo Đức, phẩm chất